Tôn Ngộ Không bị tổ sư Bồ Đề đuổi khỏi đạo quán, ẩn ý thực sự ít người thấu hiểu
Tôn Ngộ Không học được 72 phép biến hóa từ Bồ Đề tổ sư nhưng rốt cuộc vẫn bị đuổi khỏi núi Linh Đài Phương Thốn thiêng liêng. Là do Ngộ Không vô năng, bất trị hay tổ sư quá nghiêm khắc? Xin được mạn phép dành vài lời bàn luận cùng bạn đọc dưới đây.
Tu luyện dựa vào ngộ tính
Đầu tiên, nói một chút về căn cơ và ngộ tính của Tôn Ngộ Không. Sau khi vượt qua mênh mông biển lớn, sông dài, lang bạt tám, chín năm trời ở Nam Thiệm Bộ Châu, cuối cùng Hầu vương cũng tìm được đến đạo quán của tổ sư Bồ Đề. Ở đây, Hầu vương được đặt tên, dạy cho các việc giảng kinh làm đạo, nói năng lễ phép đến quét sân cuốc vườn, tỉa lá vun hoa, gánh nước kiếm củi. Sáu, bảy năm trôi qua như vậy, một hôm được nghe tổ sư giảng Đạo, Ngộ Không mới đột nhiên đại ngộ.
Tây Du Ký, hồi thứ 2, “Thấu lẽ Bồ Đề là diệu lý, bỏ ma về gốc ấy nguyên thần” kể rằng: “Tôn Ngộ Không nghe giảng sướng quá đến nỗi xoa tai vuốt má, mặt mày hớn hở, khoa tay múa chân. Bỗng bị tổ sư trông thấy, gọi lên bảo:
– Ngươi ngồi trong lớp, tại sao lại điên cuồng nhảy nhót, không nghe ta giảng?
Ngộ Không thưa:
– Con thành tâm nghe giảng, đến những chỗ sư phụ giảng nhiệm màu quá, lòng vui mừng khôn xiết, không nhịn được, nên có những điệu bộ như vậy, mong sư phụ tha tội”.
Nếu không có căn cơ tốt, không ngộ đạo sâu thì làm sao Ngộ Không có thể thấy được chỗ nhiệm màu của Đạo như vậy? Đó chính là niềm hoan hỉ, vui sướng của sinh mệnh một khi đắc Đạo, một khi tìm thấy nghĩa lý chân chính của cuộc đời. Điều này dễ khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh Lỗ Trí Thâm trong Thủy Hử, nửa đời xông pha chiến trận, giết người vô số nhưng cuối cùng một đêm nghe được tiếng sóng triều trên sông Tiền Đường đập vào vách đá mà đột nhiên đốn ngộ, tọa hóa viên mãn.
Ngộ Không cũng như vậy, khi được nghe Đại Đạo nhiệm màu, hẳn cũng mới sực tỉnh ra, biết mình là ai, sẽ đi về đâu. Lại cũng giống như Khổng Tử nói: “Triêu văn Đạo, tịch khả tử” (Sáng nghe Đạo, chiều chết cũng cam lòng). Đến khi tổ sư hỏi muốn học môn nào, phép nào, Ngộ Không trả lời rất thật thà: “Chỉ mong sư phụ dạy dỗ, miễn có vị đạo là đệ tử xin học“. Nhưng đến khi tổ sư lần lượt kể ra mấy đạo thuật như các môn chữ “Thuật”, chữ “Lưu”, chữ “Tĩnh”, chữ “Động”… thì Ngộ Không lại lắc đầu quầy quậy, cứ nhất nhất đòi học bằng được phép sống lâu màu nhiệm, trường sinh.
Các chúng bạn đều cho rằng Ngộ Không quả là không biết trời cao đất dày, được tổ sư truyền Đạo cho mà còn cứng đầu cãi bướng, có phúc mà không biết hưởng. Nhưng ngẫm kĩ ra, các loại đạo thuật kia chẳng qua chỉ là “bàng môn”, tiểu đạo, Ngộ Không là một con khỉ có linh khí đương nhiên không muốn chỉ học các thứ tiểu thuật ấy. Nào là kéo cung đạp nỏ, xoa rốn lấy hơi, luyện đan chế thuốc, trai giới ngồi thiền, tập ngủ tập đứng… đều chỉ loanh quanh tiểu đạo thế gian, căn bản không đáp ứng được mục đích tu hành của Ngộ Không.
Hầu vương muốn luyện thành phép trường sinh bất lão không phải là tham sống sợ chết gì. Tu luyện phép trường sinh ấy thực ra chính là thoát khỏi sự khống chế của Ngũ hành, cao hơn nữa chính là vượt ra ngoài Tam giới, không chịu vòng luân hồi, sinh tử. Mà ra ngoài Tam giới thì chẳng phải là đạt đến quả vị của La Hán, của Phật, của Chân Nhân rồi sao? Như thế thì mấy thứ thuật loại nhỏ nhoi kia nào có đáng bận tâm gì?
Tổ sư Bồ Đề hẳn là cũng sớm biết được căn cơ của Hầu vương không tầm thường nên cũng đã cố ý đưa ra mấy thứ thuật loại tiểu đạo kia để thử lòng. Khi Ngộ Không từ chối không học, tổ sư cũng tỏ vẻ giận dữ vô cùng. Tây Du Ký kể rằng:
“Tổ sư nghe đoạn, hừ một tiếng, từ trên đài cao nhảy xuống, tay cầm gậy giới xích, chỉ vào Ngộ Không nói:
– Loài khỉ già kia, đạo này không học, đạo kia không học, còn đòi học cái gì?
Rồi đi đến gõ đầu Ngộ Không ba cái, quay lưng giơ tay đi thẳng vào trong, đóng cửa giữa lại, bỏ mọi người ở ngoài”.
Bề ngoài thì là giận dữ nhưng trong lòng tổ sư sớm đã chọn Ngộ Không là đệ tử chân truyền. Việc ông cho Ngộ Không mấy gậy “bổng hát” chính là điểm hóa mà trừ Hầu vương ra thì chẳng một ai có thể hiểu. Bởi vì: “Lúc ấy cả bọn đều oán ghét và khinh bỉ Ngộ Không. Nhưng Ngộ Không chẳng tức giận, chỉ vui cười. Nguyên do Ngộ Không vốn đã ngầm hiểu ý của sư phụ, nên không tranh cãi với chúng bạn, chỉ lặng thinh không nói. Tổ sư đánh ba cái, có nghĩa là bảo phải để ý đến canh ba, chắp tay sau lưng, đi vào bên trong, đóng cửa giữa lại, rồi đi vào lối cửa sau, ở chỗ kín ấy sư phụ sẽ truyền đạo cho”.
Điều này một lần nữa nói lên ngộ tính bất phàm của Tôn Ngộ Không. Ấy là bởi nguồn gốc không hề tầm thường của Hầu vương, khi mới sinh ra đã thu thập được linh khí của đất trời. Vừa có tâm cầu Đạo, vừa có ngộ tính cao, chẳng có gì lạ khi Ngộ Không trở thành đệ tử chân truyền của tổ sư Bồ Đề. Đêm hôm ấy có lẽ là đêm dài nhất trong đời Hầu vương.
Truyện kể rằng, Ngộ Không đợi đến giờ Tý mới rón rén trở dậy, tìm đến phòng riêng của sư phụ để hỏi Đạo. Tổ sư biết y có căn cơ, lại có ngộ tính bèn ghé tai truyền cho khẩu quyết. Ngộ Không vốn linh thông, nhớ hết khẩu quyết, mỗi ngày ngầm điều hòa hơi thở, luyện tập theo. Qua 3 năm nữa, khi đã đả khai được kinh mạch, thông pháp tính, hiểu căn nguyên, Ngộ Không tiếp tục được tổ sư truyền cho 72 phép biến hóa Địa sát, dạy cách cưỡi “Cân đẩu vân” bay xa được mười vạn tám nghìn dặm.
Nhưng cũng từ đây, chuyện rắc rối mới bắt đầu xảy đến. Từ khi luyện thành 72 phép biến hóa và “Cân đẩu vân”, Ngộ Không tiêu dao tự tại, rong chơi ngày tháng, vui thú vô cùng. Nhưng “nhàn cư vi bất thiện”, một lần ngồi tán gẫu với đám bạn học, khi được hỏi đã luyện thành những phép nào, Ngộ Không dương dương tự đắc: “Chẳng giấu gì anh em, một là sư phụ truyền thụ, hai là tôi đêm ngày chịu khó tập luyện, nên những phép đó đã nắm được cả“.
Chúng bạn đều tỏ ra cảm phục, muốn Ngộ Không trình diễn một chút. Được khen ngợi, tinh thần phấn chấn, Ngộ Không liền hưng phấn: “Các anh thử ra đề mục, muốn tôi biến ra cái gì“. Mọi người yêu cầu biến ra cây tùng, Ngộ Không lắc mình một cái liền biến ngay ra được.
Chúng bạn thấy thế reo hò, nhảy nhót, khen ngợi mãi, chẳng ngờ kinh động đến tổ sư. Sư phụ bèn chống gậy ra cửa, mắng: “Các ngươi la hét ầm ĩ, không ra thể thống người tu hành. Người tu hành mở miệng ra thì thần khí tán, lưỡi động thì thị phi sinh. Làm sao mà các ngươi cười đùa ở đây?“. Sau khi biết rõ sự tình, tổ sư quát đuổi những khác đi và gọi Ngộ Không tới quở phạt:
“Ngộ Không, lại đây! Ta hỏi ngươi sử dụng tinh thần thế nào? Biến thế nào ra cây tùng? Công phu ấy có thể đùa cợt trước mặt mọi người sao? Giả sử ngươi thấy người khác có, ắt phải cầu người ta. Người khác thấy ngươi có, ắt phải cầu ngươi. Nếu ngươi sợ tai vạ, ắt phải truyền cho người ta. Nếu không truyền sẽ bị hại, tính mệnh nhà ngươi khó mà giữ nổi”. Cuối cùng tổ sư bèn đuổi Ngộ Không đi.
Vậy là Hầu vương coi như kết thúc hơn chục năm lênh đênh bốn bể, tầm Tiên học Đạo của mình.
Ẩn ý khó lường
Người đọc đến đoạn này không khỏi tiếc ngẩn ngơ cho Ngộ Không, cũng trách tổ sư quá nghiêm khắc, nỡ lòng đuổi đi trò yêu. Hơn thế, tổ sư còn bắt Ngộ Không thề rằng về sau có xảy ra chuyện gì cũng không được nói y là đệ tử của ông. Xem ra, lần này ra đi là đôi đường cách biệt, tình sư đồ cũng chẳng còn. Nhưng tổ sư Bồ Đề là bậc đắc Đạo, vốn thấu lẽ đời, chắc không phải vô duyên vô cớ mà giận dữ, mắng đuổi Ngộ Không.
Trước hết, ông thực sự muốn dạy cho Tôn Ngộ Không một bài học về sự khiêm tốn. Ngộ Không luyện thành 72 phép biến hóa, dương dương tự đắc, ở trước chúng bạn mà khoe mẽ, trổ tài chính là xuất phát từ tâm lý muốn được hiển thị, muốn được người khác phỉnh nịnh, công nhận. Với người tu hành mà nói, đây là một loại tâm lý hết sức không tốt. Một khi nhận được lời khen tụng, người tu hành sẽ bị mê lạc, hiu hiu tự đắc, tự cho mình có khả năng, sẽ rơi rớt trong vòng danh lợi.
Ngộ Không vì bị tâm danh lợi dẫn động mà thi triển thần thông trước mặt chúng bạn, nhìn thì là một việc nhỏ, chỉ là đùa vui nhưng nghiêm khắc mà nói thì chính là khoe khoang bản ngã, cậy mình có tài, sau này ắt là chuốc vạ vào thân. Tổ sư cho rằng, tính mệnh của Ngộ Không “khó mà giữ nổi” cũng là có lý. Bởi cậy vào tài thì tự chuốc lấy sự đố kỵ, ghen ghét của người khác, chuyện về sau thành ra không tốt.
Nhưng đó mới chỉ là nguyên nhân bề mặt. Tổ sư đuổi Ngộ Không không phải vì giận, càng không phải là phạt trách gì. Ông đuổi Ngộ Không đi là bởi đã sớm biết rõ con đường phía trước đầy khúc khuỷu, quanh co mà cũng đầy huy hoàng, tráng lệ của y. Tổ sư đoán trước được rằng: “Chuyến đi này, hẳn gặp điều không hay, nhà ngươi có gây vạ hành hung cũng không được nói là đồ đệ của ta“. Sau này, quả nhiên Ngộ Không đã về núi Hoa Quả Sơn, tụ tập lũ yêu hầu, dựng cờ “Tề Thiên Đại Thánh”, lại lên trời mấy lần phá quấy, ăn trộm đào, uống rượu ngự, trộm linh đơn, phá lò Bát Quái, đại náo Thiên cung, cuối cùng bị giam dưới núi Ngũ Hành.
Có thể nói, con đường ấy dù đầy chông gai nhưng Ngộ Không tất là phải đi, không đi không xong. Đó đã là an bài từ trong số kiếp của y, mệnh Trời khó cưỡng, tổ sư dù đoán được trước song cũng không thể tiết lộ thiên cơ. Ông biết tên đồ đệ này có căn cơ lớn, lại ương bướng bất trị, mai này chắc chắn làm nên chuyện chọc trời khuấy nước, kinh thiên động địa. Nhưng tổ sư cũng biết ngộ tính của Hầu vương không nhỏ, thiện căn ẩn tàng bên trong, có thể tu thành chính quả.
Vậy nên, tổ sư Bồ Đề đuổi Ngộ Không đi chẳng qua chính là tiễn y đi thêm một đoạn đường, đặt y vào cuộc hành trình bất tận phía trước. Ông dạy Ngộ Không 72 phép biến hóa, phép “Cân đẩu vân” cũng là trang bị trước “vốn liếng” cho y trong cuộc vân du bốn biển dài đằng đẵng kia. Hơn nữa, Ngộ Không đã tu luyện thành Thái Ất Tiên, về cơ bản đã hoàn toàn khai ngộ trong môn của tổ sư Bồ Đề, giữ y lại trong núi cũng chẳng ích gì.
Ngộ Không là người được chọn để hộ tống Đường Tam Tạng sang Tây Trúc thỉnh kinh, nếu cứ ở mãi trong núi Linh Đài Phương Thốn liệu có được chăng? Đã học thành tài, ắt phải có đất dụng võ. Tổ sư đuổi Ngộ Không, bề ngoài nhìn thì là trách phạt nặng nề, khai trừ khỏi sư môn nhưng thực chất là tạo cho y cơ hội lập thành công đức to lớn và tu luyện thêm một lần nữa trong Phật môn. Về lý mà nói thì tổ sư đuổi Ngộ Không cũng chính là chiếu cố cho y nhất rồi.
Con đường tu luyện của Ngộ Không là rất đặc biệt, đầu tiên là khai ngộ trong Đạo gia sau đó lại tu đến cảnh giới Phật trong Phật môn. Đặc biệt đến thế âu cũng là điều dễ hiểu. Thần Phật đã sớm an bài Ngộ Không là trợ thủ đắc lực phò Đường Tăng sang Tây Trúc thỉnh kinh. Chuyện thỉnh kinh là việc hệ trọng nhất lúc bấy giờ, các Thần đều quản. Ngay cả yêu ma quỷ quái chặn đường cũng chỉ đơn giản là để khảo nghiệm lòng kiên định của 4 thầy trò chứ hoàn toàn không dám phá hoại việc lấy kinh.
Cả người lấy kinh và người phò tá đều có sứ mệnh lớn lao trong trời đất. Không có Đường Tăng thì Ngộ Không có dùng “Cân đẩu vân” bay một mạch đến Linh Sơn cũng chẳng thể lấy được chân kinh. Mà trái lại, không có Ngộ Không trừ ma diệt quái, mở đường băng lối, phò trợ ngày đêm thì Đường Tăng cũng chẳng đi nổi trăm dặm, nói gì đến tận chùa Đại Lôi Âm mà thỉnh Đức Phật? Người ta mê Tây Du Ký cũng chính bởi sự tài tình, khéo léo như duyên Trời sắp đặt như vậy đấy! Bạn có đồng ý không?
Nguồn: DKN