Tôn Ngộ Không chỉ là khỉ, vì sao lại đắc được phép trường sinh?
Tự cổ chí kim, có thể ai cũng đều mong muốn trường sinh bất lão, nhưng ngay cả bậc Đế vương cũng khó tìm cầu. Vậy Ngộ Không như thế nào mà được Bồ Đề Tổ Sư chân truyền phép trường sinh?
Chuyện kể rằng, Mỹ Hầu Vương vượt ngàn trùng đại dương đến Tây Ngưu Hạ Châu, tìm được Bồ Đề Tổ Sư và được ban pháp hiệu là Tôn Ngộ Không. Trong truyện có viết: “Hồng mông sơ tịch nguyên vô tính, đả phá ngoan không tu Ngộ Không.” Nghĩa là: “Hồng hoang khai tịch vốn không họ, Phá hết mê mờ nên Ngộ Không.”
Đây là giảng về lai lịch khi sư phụ ban pháp danh cho Ngộ Không. Từ pháp danh có thể nhìn ra được Ngộ Không sinh ra từ tảng đá xưa nay chưa từng thấy, và mang ý nghĩa có thể nhìn thấu, phá tan mọi chấp trước, cũng chính là nói Mỹ Hầu Vương cần phải đắc Đạo, chính ngộ được phép trường sinh đối ứng với chúng sinh thần dân, vì vậy đặt tên là Tôn Ngộ Không. Điều này chứng thực việc Tôn Ngộ Không đến đây là có sứ mệnh, không phải là kẻ tham lam muốn vĩnh viễn hưởng thụ an nhàn.
Sau đó, Ngộ Không đã ở trên núi Linh Đài Phương Thốn (chỉ Tâm) trải qua bảy năm tu tập lễ pháp. Một hôm, Tổ Sư đăng đàn giảng Đạo, nhưng thấy Ngộ Không chăm chú lắng nghe, cũng chỉ có mình Ngộ Không nghe được âm thanh vi diệu, nên Tổ Sư bèn hỏi Ngộ Không muốn học gì? Ngộ Không thưa: “Tùy sư phụ dạy bảo, con xin dốc lòng nghe theo”. Ở đây có thể thấy rõ Ngộ Không hiểu được sư phụ sẽ truyền cho đệ tử những gì tốt nhất, phù hợp nhất, phải nhìn vào căn cơ và tâm tính của người cầu Đạo. Không thể dựa vào ham muốn cá nhân tự mình làm càn, vì vậy những ẩn ngữ tiếp theo là khảo nghiệm đối với Ngộ Không. Liệu Ngộ Không có thể nhìn thấu được điều đó hay không, từ đó có đoạn đối thoại đặc biệt lý thú giữa Tổ Sư và Ngộ Không với nhiều nội hàm và ý nghĩa thâm sâu.
Tổ Sư nói: “Ta dạy cho ngươi Đạo ở trong môn chữ ‘Thuật’ có được không?” Ngộ Không hỏi: “Đạo ở trong môn chữ ‘Thuật’ nghĩa là thế nào?” Tổ Sư đáp: “Đạo trong môn chữ ‘Thuật’ là cầu tiên giáng để bói cỏ thi, cho biết cái lý để cầu lành tránh dữ.” Ngộ Không hỏi: “Thế có được trường sinh không?” Tổ Sư nói: “Không được! Không được!” Ngộ Không nói: “Thế thì con không học! Không học!”
Cầu lành tránh dữ chính là tìm an nhàn nơi trần thế, nhưng mà lục đạo tuần hoàn trong vòng nhân quả, làm sao có thể trường tồn mãi được, Ngộ Không không thể tham cầu.
Tổ sư lại nói: “Dạy ngươi Đạo trong môn chữ “Lưu”, có được không?”. Ngộ Không lại hỏi: “Chữ Lưu nghĩa là thế nào?”. Tổ sư nói: “Trong môn chữ ‘Lưu’ là các loại Đạo Nho, Đạo Phật, Đạo Lão, Đạo âm dương, Đạo Mặc tử, Đạo làm thuốc, hoặc xem Kinh, hoặc niệm Phật, lạy trời và cầu Thần giáng Thánh.”
Ngộ Không lại hỏi: “Thế những môn ấy có trường sinh được không?”
Tổ Sư nói:”Muốn được trường sinh chẳng khác nào ‘trồng cột trong vách’.”
Ngộ Không nói: “Thưa sư phụ, con là người thật thà không hiểu cách nói xa xôi. Thế nào là ‘trồng cột trong vách?’”.
Tổ Sư nói: “Lợp một cái nhà, muốn cho nhà được kiên cố thì giữa tường và vách phải dựng một cái cột, một khi cái nhà ấy đổ, thì cột kia cũng chẳng còn nữa.”
Ngộ Không nói: “Như thế là không được lâu dài, con không học, không học!”
Nói về “Lưu” thì tự nhiên phải tìm về ngọn nguồn. “Nước sông Hoàng Hà từ trên trời chảy xuống biển, không bao giờ trở lại.” Truy tìm nguồn gốc, đắc được Pháp bản nguyên ở trong đó mới có thể trường tồn, đó mới là hết thảy nền tảng và tiêu chuẩn bất động bất biến của tạo hóa, có thể thấy căn cơ thâm hậu của Ngộ Không.
Tổ sư nói: “Thế dạy nhà ngươi đạo trong môn chữ ‘Tĩnh’ có được không?”
Ngộ Không lại hỏi: “Môn chữ ‘Tĩnh’ đạt chính quả nào?”
Tổ Sư nói: “Môn ấy là nhịn ăn ở hang, thanh tĩnh vô vi, tham thiền đả tọa, giữ gìn giới luật, hoặc tập ngủ công, tập đứng công, cũng là các loại tọa quan nhập định.”
Ngộ Không lại hỏi: “Thế có trường sinh được không?”
Tổ Sư nói: “Đó cũng như ‘hòn đất trong lò’ thôi.” Ngộ Không cười, nói: “Sư phụ cứ nói xa xôi, con không hiểu. Thế nào là ‘hòn đất trong lò’?”.
Tổ Sư nói: “Như hòn đất đã nặn thành viên gạch để trong lò, tuy đã thành hình, nhưng chưa nung lửa, một khi gặp mưa là bở ra ngay.”
Ngộ Không nói: “Vậy cũng không được lâu dài, con không học, không học.”
Nói đến “Tĩnh” thì trước hết phải tẩy tịnh tâm mình, có thể không bị dục vọng ích kỷ can nhiễu là thể hiện tâm đại nhẫn, tu trì tâm phải bền gan và có ý chí, nếu không thì chỉ có hình thức mà không qua được thử thách và ma luyện. Ngộ Không không muốn kiểu hình thức ấy, cho thấy Ngộ Không có tín niệm và kiên định cầu Pháp.
Tổ Sư nói: “Thế thì dạy nhà ngươi Đạo trong môn chữ ‘Động’ có được không?” Ngộ Không lại hỏi: “Đạo môn chữ ‘Động’ như thế nào?” Tổ Sư đáp: “Môn ấy là hữu vi hữu tác, lấy âm bổ dương, kéo cung đạp nỏ, xoa rốn lấy hơi, theo kiểu bào chế, đốt cỏ đánh đỉnh, nấu hồng diên, luyện thu thạch, cũng là loại uống sữa người nữ.”
Ngộ Không thưa: “Thế có trường sinh được không?”
Tổ Sư nói: “Nếu muốn trường sinh thì chẳng khác nào ‘mò trăng dưới nước’.” Ngộ Không nói: “Sư phụ lại nói xa xôi rồi. Thế nào là ‘mò trăng dưới nước’?” Tổ Sư nói: “Trăng trên trời cao, in bóng làn nước, tuy nhìn thấy bóng trăng nhưng không thể nào mò tới được.”
Ngộ Không nói: “Thế con cũng không học!”
Nói đến “Động” thì phải hữu vi, nếu như trong quá trình tu mà nảy sinh ra niệm truy cầu, không giữ được tính bản thiện tiên thiên thì sẽ vì vọng tưởng viển vông, mà Đại Đạo tu không được, vì vậy cuối cùng sẽ không đắc chính quả. Tâm tính của Ngộ Không thuần tịnh tự nhiên, sẽ không vì tư tưởng đó mà lay động, như vậy trong tâm Ngộ Không không thấy trường cửu, cho nên không nhận.
Ngộ Không vượt qua khảo nghiệm, hiểu được điểm ngộ của Tổ Sư, canh ba đến bên giường ngủ của thầy, quỳ ở trước giường. Không lâu thì Tổ Sư tỉnh giấc, duỗi hai chân, miệng tự ngâm rằng:
“Thực khó, thực là khó
Chữ đạo rất diệu huyền,
Tu đâu phải chuyện bỡn,
Gặp người tốt mới truyền.
Nếu không thành nói uổng,
Miệng mỏi lưỡi khô phiền!”
Khi nghe được Ngộ Không đang ở đó đợi hầu, Tổ Sư rất vui mừng bèn dạy cho Ngộ Không diệu pháp trường sinh. Xem ra Đạo không chỉ cần sư phụ truyền thụ, mà càng cần đệ tử tâm chính ý thành, mới có thể có ngộ tính đắc được.
Quan sát Mỹ Hầu Vương từ việc học lễ nghĩa, biết vẩy nước quét nhà, biết tiến thoái, đến siêu thoát tâm thế tục hỗn độn, sau đó nghe Pháp mà ngộ Đạo, lại đến nội tâm thanh tịnh không ngoại cầu, đạt được tự mình thật sự giữ nguyên bản nguyện ban đầu, được thượng sư gia trì, và diễn hóa của công cuối cùng công thành đắc Đạo. Lại nhìn trong trần thế, thật sự rất ít người biết dùng tâm thuần tịnh, hướng nội để nhìn thấy bản nguyện chân ngã của chủ nguyên thần. Họ cứ nhất mực hướng ngoại tìm cầu, bị dẫn dắt và vùi dập bởi thị phi của thế gian hồng trần, nhưng lại tự mình cho đúng, là những thứ mà mình tìm kiếm. Họ không biết lý niệm cảm nhận là do hậu thiên sinh thành, làm sao có thể trường tồn bất bại được?
Chỉ có nội tâm thanh tịnh, nhớ lại bản tính tiên thiên của chân ngã, đó mới là là ước nguyện ban đầu của bạn và tôi.
Lan Chi biên dịch
Nguồn: Epochtimes (Nguyên Hinh)