Trên dãy Himalaya có hóa thạch của cá, phải chăng trận Đại hồng thủy trong lịch sử thật sự tồn tại?
Nhiều người tin rằng, đại hồng thuỷ đã mang hóa thạch của các sinh vật vốn thuộc về đại dương lên đỉnh núi Everest.
Dãy Himalaya sừng sững và hùng vĩ, tiếng Phạn có nghĩa là “nơi ở của tuyết”. Nơi đây có Everest – đỉnh núi cao nhất hành tinh hay còn được gọi là nóc nhà của thế giới. Cá là loài sinh vật sống trong nước, nhưng kỳ lạ là, các nhà thám hiểm đã tìm thấy hóa thạch của chúng tại nơi đây. Các nhà khoa học lý giải như thế nào về sự việc khó hiểu này?
Hóa thạch cá trên đỉnh Everest
Vào năm 1924, hai nhà thám hiểm George Mallory và Andrew Irvine đã thiệt mạng khi cố gắng chinh phục đỉnh Everest. Tuy nhiên, một thành viên khác trong nhóm là Noel Eward Odell đã sống sót và quay trở lại với một số mẫu hóa thạch vô giá của loài cá.
Nhiều năm sau đó, hai nhà thám hiểm Edmund Hilary và Tenzing Norgay, cũng đã thu thập được các mẫu hoá thạch tương tự như san hô, xương, vỏ sò…
Sau hoá nghiệm, các chuyên gia kinh ngạc khi kết quả cho thấy, những hóa thạch này có niên đại từ Kỷ Ordovic – kỷ nguyên đã kết thúc cách đây những 440 triệu năm. Điều đó có nghĩa là những hóa thạch này tồn tại lâu đời hơn con người đầu tiên xuất hiện trên Trái đất.
Các giả thuyết được đưa ra
Những suy đoán về lý do đằng sau đó bắt đầu xuất hiện ngay sau khi các hóa thạch được tìm thấy. Trong tất cả chúng, giả thuyết phổ biến nhất chính là một trận đại hồng thủy đã đưa cá lên đỉnh núi.
1. Đại hồng thuỷ mang sinh vật biển lên núi
Câu chuyện về trận lụt này được tìm thấy trong chương VI đến IX của cuốn Sáng thế ký. Chúa Trời đã quyết định dùng nước lũ nhấn chìm loài người đạo đức bại hoại. Chỉ có Noah và gia đình của ông được tha mạng – cùng với các chủng động vật mỗi loài một cặp lên trên một con tàu gỗ khổng lồ. Sau khi nước rút họ tiếp tục sinh sôi trở lại. Không chỉ người Ki-tô, rất nhiều nhà khoa học cũng tin cậy giả thuyết này.
Sách Sáng thế ký ghi: “Và chỉ duy nhất một chiếc thuyền đi lênh đênh trên mặt nước, những ngọn núi cao nhất cũng bị nước nhấn chìm.” Như vậy, giả thuyết đại hồng thuỷ mang cá lên đỉnh núi là hợp lý.
Tuy nhiên, một số các chuyên gia địa chất lại đưa ra một giả thuyết khác. Họ cho rằng, sự đứt gãy, trôi dạt và bồi tụ lục địa chính là nguyên nhân kiến tạo lên dãy Himalaya. Trong quá trình này, bộ xương cá vốn chết dưới đáy biển được đưa lên đỉnh Everest như ngày nay.
2. Sự trôi dạt của bản khối lục địa đã mang hóa thạch cá lên núi
Các chuyên gia NASA cho biết: “Sự hiện diện của đá vôi và hóa thạch biển trên đỉnh những ngọn núi là một trong những bằng chứng quan trọng về kiến tạo mảng. Lý thuyết khoa học này mô tả các mảng lớn của bề mặt Trái đất di chuyển trên lớp đá nóng chảy trong lõi của nó.”
Nhà phân tích Christopher Eames của trang Watch Jerusalem cũng đã chỉ ra: “Lãnh thổ của Ấn Độ từng là một phần của siêu lục địa có tên Gondwana. Khoảng 150 triệu năm trước, nó vỡ ra và di chuyển về phía bắc đến Laurasia. Vào thời điểm đó, biển Tethys rộng lớn, sinh sôi nảy nở với các sinh vật biển đã ngăn cách các lục địa. Sau hành trình khoảng 100 triệu năm, các địa hình va chạm với cường độ cực lớn, tạo thành dãy núi.”
Họ cho rằng, khoảng 50 triệu năm trước, sau khi di chuyển một quãng đường khoảng 6.400 km, vùng đất Ấn Độ đã va chạm với lục địa Á-Âu. Rìa đáy biển của mảng kiến tạo Ấn Độ và lục địa Á-Âu liên tục được nâng cao và bồi tụ hình thành nên dãy Himalaya.
Theo giả thuyết này, các hóa thạch biển trên đỉnh Everest là kết quả của một sự thay đổi về địa chất được gọi là “trôi dạt lục địa”. Chủ yếu là đáy biển bị dồn ép, dần được nâng lên cao. Đáy biển là nơi sinh sống của các sinh vật biển, vì thế, trong quá trình va chạm kéo dài, nhiều sinh vật hóa thạch dưới đáy biển đã được đưa lên trên núi.
Theo các bạn, trong hai giả thuyết trên, đâu là nguyên nhân mang hóa thạch cá lên đỉnh núi Everest?
Minh Nguyệt