Trong thời kỳ Tam Quốc, có 3 người không đáng phải chết, nhưng Tôn Quyền, Tào Tháo và Quan Vũ mỗi người đã giết một người
Người làm nên đại nghiệp ắt có chỗ thông tuệ hơn người. Người làm hỏng đại nghiệp ắt bởi vì đã từng đắc tội với ai đó. Thế cuộc Tam Quốc sở dĩ đi quá xa, để lại nỗi tiếc nuối khôn nguôi cũng bởi có những người đáng được sống lại bị chết một cách tức tưởi.
Thời kỳ Tam Quốc, các nhân vật nổi tiếng đều là người kiệt xuất và quyết đoán. Anh hùng ở các thời kỳ khác khó lòng vượt qua danh tiếng “anh hùng Tam Quốc”. Thật khó để có những chiến binh một mình đánh bại cả đội quân, những nhà cố vấn quân sự tài ba, diệu toán như thần và không thể không kể đến tài năng y thuật chẩn đoán và trị liệu độc đáo.
Tuy nhiên, trong thời kỳ chiến tranh tàn khốc như Tam Quốc, sinh mệnh con người như đèn trước gió. Dẫu là những người sở hữu năng lực phi thường cũng không đảm bảo rằng họ có thể sống sót đến cuối đời.
Để thống nhất Trung Nguyên và hoàn thành đại nghiệp, Tam Quốc đã trở thành một chiến trường đẫm máu. Mỗi ngày đều có thương vong không kể xiết, bàn tay của tất cả các anh hùng đều nhuốm máu.
Trong các tướng quân kiệt xuất nhất đại diện cho Tam Quốc, chúng ta phải kể đến Tôn Quyền nhà Đông Ngô, Tào Tháo nhà Tào Ngụy và Quan Vũ nhà Thục Hán. Mỗi người trong số họ đã giết chết một người không đáng phải chết, tạo nên tình thế không thể cứu vãn. Vậy, họ đã giết những nhân vật quan trọng nào?
Dưới đây chính là ba nhân vật không đáng phải chết mà lại phải chết:
1. Tướng quân trung thành, dũng mãnh, khó bề hạ gục nhất là Quan Vũ
Quan Vũ hay còn gọi là Quan Vân Trường, ông là tướng quân dưới trướng Lưu Bị, “thân cao chín thước, râu dài hai thước, mặt đỏ như táo tàu, dáng vẻ uy nghiêm”, là một trong những người có công lớn nhất với nhà Thục Hán.
Vào năm 219, sau trận Hán Trung, Quan Vũ phát động trận Tương Phàn. Trong trận này Quan Vũ đã bao vây Tào Nhân. Vì vậy Tào Tháo phải phái thêm Bàng Đức và những người khác đến Phàn Thành để tiếp viện. Điều Tào Tháo không ngờ tới là Quan Vũ đã bắt được Vu Cẩn và chặt đầu Bàng Đức.
Tương Phàn lâm nguy, Tào Tháo thậm chí đã phải vạch ra kế hoạch dời đô. Nhưng sau đó, Tôn Quyền đã lựa chọn phản bội liên minh Tôn – Lưu, sai Lã Mông đánh lén Kinh Châu. Dưới sự tấn công áp đảo của hai thế lực, Quan Vũ bị lính của Tôn Quyền bắt sống và giết chết.
2. Người thứ hai là tướng quân Bàng Đức
Bàng Đức được biết đến với tên Lệnh Minh, ông vốn là một võ tướng Tây Lương trung thành, dũng cảm và tháo vát. Ông đã làm Quan Vũ trọng thương trong trận Tương Phàn.
Bàng Đức thường cưỡi ngựa bạch mã nên quân lính của Quan Vũ gọi ông là “Bạch Mã tướng quân” và rất sợ ông ta.
Quan Vũ muốn bắt sống Bàng Đức, vì biết Bàng Đức là một tướng mạnh, sau khi bắt sống ông, Quan Vũ đã ngỏ ý muốn Bàng Đức đầu hàng. Nhưng Bàng Đức thà chết mà không chịu. Ông nguyền rủa Quan Vũ rằng: “Nguỵ vương có trăm vạn giáp binh, uy chấn thiên hạ. Lưu Bị nhà ngươi chỉ là kẻ tầm thường thôi, há có thể địch nổi sao! Ta thà làm con ma ở nước Nguỵ, chẳng thèm làm tướng của lũ nghịch tặc vậy”.
Trong cơn tức giận Bàng Đức đã bị Quan Vũ giết chết.
3. Người thứ ba là Hoa Đà
Hoa Đà là thần y nổi tiếng thời Tam Quốc. Ông là người phát minh ra thuốc gây mê để phẫu thuật trị bệnh. Về sau ông được người đời tôn là người khởi xướng phẫu thuật. Cái chết của Hoa Đà chính là một hậu quả đáng tiếc cho tính đa nghi của Tào Tháo.
Tào Tháo bị đau đầu, mời Hoa Đà đến thăm bệnh. Hoa Đà nói với Tào Công rằng bệnh này rất khó chữa, muốn chữa khỏi phải phẫu thuật tách hộp sọ, loại bỏ khối u trong não. Nhưng sau khi nghe được điều này, Tào Tháo tưởng rằng Hoa Đà muốn giết mình nên đã nhốt Hoa Đà vào trong ngục.
Cuối cùng Hoa Đà bị tra tấn đến chết trong tù. Sau khi Hoa Đà chết, Tào Tháo không thể tìm được một thầy thuốc nào giỏi hơn có thể chữa khỏi bệnh đầu cho ông. Tuy nhiên, Tào Tháo vẫn không ân hận về hành vi của mình. Chỉ đến khi người con trai tài giỏi nhất, được ông yêu quý nhất là Tào Xung lâm bệnh hiểm nghèo mà chết, ông mới đau đớn than thở: “Ta đã giết nhầm Hoa Đà”.
Trong thời Tam Quốc, có ba người không nên bị giết nhất là Quan Vũ, Bàng Đức và Hoa Đà. Tại sao nói như vậy?
Khi Tôn Quyền giết chết tướng phe đồng minh Quan Vũ, ông ta hoàn toàn mất đi cơ hội đánh bại Tào Tháo thống nhất thiên hạ.
Khi Quan Vũ giết chết Bàng Đức, ông bị rất nhiều người căm ghét nên khó tránh khỏi cái chết lúc lâm nguy. Con cháu của ông cũng bị con cháu họ Bàng nuôi mối hận mà tàn sát không thương tiếc.
Khi Tào Tháo giết chết Hoa Đà, hậu quả là sự ra đi đáng tiếc của Tào Xung. Vì mất đi thần đồng quân sự Tào Xung, nhà Tào Ngụy như hổ mất cánh, đại nghiệp bị chuyển giao cho họ Tư Mã.
Dẫu biết đại cuộc đã có sự an bài “người tính không bằng trời tính” là do “trời định”, nhưng ngẫm lại quả thật vẫn không tránh khỏi sự tiếc nuối.
Không thành việc lớn, ắt có uẩn khúc, việc thống nhất thiên hạ không phải là việc dễ dàng. Người có thể thống nhất thiên hạ cũng không phải là người bình thường dẫu đó là một anh hùng cái thế. Qua đây chúng ta có thể rút ra kinh nghiệm sâu sắc về cách nhận định một người. Rất có thể nhân vật Tần Thủy Hoàng trong quá khứ tài giỏi và hoàn hảo hơn rất nhiều so với Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền, Quan Vũ, Gia Cát Lượng…
Nguồn: Soundofhope (Lý Tĩnh Nhu).