Blog
Trương Lương hành thích Tần Thủy Hoàng không thành, bỏ trốn nhờ 3 lần nhặt giày cho ông lão mà được “Thái binh công pháp”
Trong chiều dài lịch sử hàng nghìn năm của các dân tộc Á Đông, những chuyện thần tiên tặng sách cho người có tài có đức được sử sách ghi chép lại khá nhiều. Đây thường là những nhân vật có đóng góp lớn cho tiến trình phát triển của văn hoá. Bởi vậy trong mỗi một giai đoạn lịch sử, thiên thượng đều an bài những cơ duyên để họ được dẫn dắt, ngộ Đạo và thực hiện sứ mệnh của mình.
Câu chuyện Trương Lương nhặt giầy, được thần tiên tặng binh pháp, cuối cùng ngộ đạo thành tiên vô cùng ý nghĩa.
Trương Lương, tự là Tử Phòng, danh thần khai quốc nổi tiếng thời nhà Hán. Ông cùng với Hàn Tín, Tiêu Hà được người đời xưng tụng là Hán sơ Tam kiệt, đóng vai trò quan trọng giúp Lưu Bang đánh đổ nhà Tần và thắng Hạng Vũ trong chiến tranh Hán Sở sáng lập ra nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc.
Ông thường được xếp vào hàng ngũ 10 đại quân sư kiệt xuất nhất lịch sử phong kiến Trung Quốc, đứng thứ 3 sau Tôn Vũ, Tôn Tẫn và đứng trên các bậc quân sư kiệt xuất khác như Gia Cát Lượng, Lưu Bá Ôn. Vì thế, hậu nhân hay gọi ông là Mưu thánh.
Để có cuộc sống bình an và hút nhiều tài lộc, hãy tham khảo các vật phẩm phong thủy thủ công của Hòn Ngọc nhé!
Lẵng Tài Lộc Buôn May Bán Đắt
Tháp Tỏi Ngũ Hạt Hút Tài Lộc
Vòng Tỏi May Mắn Chiêu Tài Hút Lộc
Trương Lương thuộc dòng dõi sĩ tộc nước Hàn thời Chiến Quốc, tổ tiên nhiều đời làm khanh sĩ. Ông nội Trương Lương là Trương Khai Địa làm tướng quốc của Hàn Chiêu hầu, Hàn Tuyên Huệ Vương, Hàn Tương Ai Vương; cha ông là Trương Bình làm tướng quốc dưới trướng Hàn Li Vương, Hàn Điệu Huệ vương.
Lúc Tần diệt Hàn, Trương Lương cùng thích khách liều mạng ám sát Tần Thủy Hoàng tại Bác Lãng Sa. Nhưng quả chùy nặng 120 cân của ông đánh nhầm xe tùy tùng nên không giết được vua Tần. Tần Thủy Hoàng nổi cơn thịnh nộ, hạ lệnh truy nã thích khách trên toàn quốc. Trương Lương phải cải họ đổi tên, ẩn trốn tại Hạ Bì (một huyện thuộc Giang Tô ngày nay).
Có lần, Trương Lương nhàn rỗi tản bộ trên một cây cầu ở Hạ Bì thì xuất hiện một ông lão từ xa đi tới. Ông lão cố ý tháo một chiếc giày ra, ném xuống dưới cầu, rồi quay lại nói với Trương Lương: “Tiểu tử, xuống nhặt lên hộ ta!” Trương Lương ngạc nhiên bởi giọng điệu khó nghe của ông lão, định gây sự lại, nhưng thấy ông lão đã lớn tuổi nên chàng cố nhẫn nhịn, lội xuống sông nhặt chiếc giày lên.
Ông lão lại giơ chân lên bảo: “Mang vào!” Trương Lương thầm nghĩ: “Dù gì thì mình cũng đã nhặt lên rồi, mang vào cho ông ấy cũng được thôi”, bèn quỳ gối xuống xỏ chiếc giày vào chân cho ông lão.
Ông già lại đánh rớt nữa và sai Trương Lương lượm nữa, Trương Lương cũng chẳng phiền hà, lui cui đi lượm, làm như vậy đến ba lần. Đợi Trương Lương mang giày cho mình xong, ông lão liền cười lớn rồi bỏ đi. Trương Lương nhìn theo bóng ông lão khuất xa mà trong lòng không khỏi cảm thấy lạ kỳ.
Đi được một đoạn, ông lão quay lại nói với Trương Lương: “Tên tiểu tử này có thể dạy dỗ được. Năm ngày sau vào lúc sáng sớm, ngươi hãy quay lại đây gặp ta”. Trương Lương thấy thâm ý của ông lão khó dò, chỉ biết quỳ xuống “xin vâng” một tiếng.
Năm ngày sau, trời vừa tờ mờ sáng, Trương Lương đã đến nơi hẹn, không ngờ ông lão đã có mặt ở đấy từ lúc nào, trông thấy Trương Lương, ông nổi giận nói: “Có hẹn với người lớn tuổi mà mi lại đến trễ, như vậy có được không? Sáng sớm năm ngày sau hãy đến”. Nói xong liền quay lưng đi mất.
Qua năm ngày, lúc gà vừa gáy sáng, Trương Lương đã đến bên đầu cầu, oái ăm thay ông lão cũng đã có mặt ở đó, ông lão lại trách Trương Lương vì sao đến trễ, bèn đuổi Trương Lương về và nói năm ngày sau nữa hãy tới.
Lần nầy mới chỉ hết ngày thứ tư, đêm thứ năm Trương Lương không thèm ngủ ra nằm ở gốc cây mà chờ. Một lúc sau ông già xuất hiện, nhìn thấy Trương Lương, ông bảo: “Phải vậy chứ!”.
Sau đó, ông lão lấy ra một cuộn sách tre và nói: “Đọc cuốn sách này có thể làm thầy cho bậc vương giả, sau 10 năm thì có thể nổi danh. Mười ba năm sau con có thể gặp ta ở Tế Bắc, dưới chân núi Cốc Thành Sơn có một tảng đá màu vàng tức là ta đó.” Nói rồi ông lão bỏ đi mất, từ đó Trương Lương không còn gặp lại ông nữa.
Trương Lương ra về chuyên tâm nghiên cứu cuốn sách mà Hoàng Thạch Công truyền thụ, nắm rõ các huyền cơ, chiến lược ứng phó trong chiến tranh, chính trị và quân sự. Sau này Trương Lương giúp Lưu Bang thống nhất thiên hạ, được phong làm Lưu Hầu Nhậm Đại Tư Đồ. Người đời sau gọi cuốn sách đó là “Binh pháp Hoàng Thạch Công”.
Mười ba năm sau, Trương Lương cùng Lưu Bang đi qua Tế Bắc, quả nhiên nhìn thấy dưới chân núi Cốc Thành Sơn có một tảng đá màu vàng, Trương Lương liền mang về.
Lúc mất, con cháu của Trương Lương đem thi thể ông an táng cùng tảng đá. Vì vị cao nhân truyền bộ binh pháp ấy cho Trương Lương không để lại danh tính nên hậu nhân gọi ông là Hoàng Thạch Công.
Theo ghi chép trong sách “Thái Bình Quảng Ký”, Trương Lương ngoài việc là mưu sĩ cho Lưu Bang, còn căn cứ theo sách của Hoàng Thạch Công để tu luyện. Ông không rời khỏi thế sự mà vừa phò tá Lưu Bang vừa tu đạo. Trương Lương không bị thế sự nổi trôi mê hoặc mà lợi dụng những sự việc thế tục con người làm cơ hội tu luyện bản thân, từ đó mà thăng hoa lên trên.
Có được ngộ tính và trí huệ như vậy, cuối cùng ông trở thành một người tu đạo phi thường. Sau khi Trương Lương thành tiên được làm đồng tử thiên cung, thường cùng Thái Thượng Lão quân dạo chơi trên tiên giới.
Hoàng Thạch Công truyền thụ sách cho Trương Lương, một mặt có thể giúp phò tá Lưu Bang sáng lập giang sơn Hán thất, tạo cho trăm dân bách tính cuộc sống thái bình, hai là thông qua các sự việc trong đời mà tu luyện. Điều này đã giúp Trương Lương tu thành chính quả. Qua đây có thể thấy sự an bài tinh thâm của thiên thượng.
Nguyệt Hòa biên tập
Theo DKN