Trên mạng có một bức tranh rất thú vị mà có đầy ngụ ý: Phản tỉnh (xét lại mình) là một tấm gương, nó có thể phản chiếu rõ ràng những khuyết điểm của chúng ta.
Mắt người có thể nhìn rõ bốn phương tám tám hướng, nhưng nếu không có tấm gương tự nhìn lại bản thân mình này, thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy được lông mi của mình.
Nhiều khi chúng ta phàn nàn về thế giới này. Nhưng không phải là thế giới này có vấn đề, mà là chúng ta không tự soi lại bản thân mình.
01
Từng có người hỏi nhà thơ Tagore rằng: “Trên đời này điều gì là dễ nhất? Điều gì là khó nhất?”. Nhà thơ Tagore trả lời: “Điều dễ nhất là chỉ trích người khác, và khó nhất là tự nhận thức bản thân mình”.
Bạn có thấy rằng có rất nhiều người khi gặp một vấn đề nào đó là luôn thích tìm nguyên nhân từ bên ngoài hay không? Ví như là: Gia đình bất hòa, đó là do bạn đời nóng nảy; công việc sai sót, ấy là do đồng nghiệp không tốt; không được đề bạt thăng chức, ấy là bởi lãnh đạo thiếu tầm nhìn …
Những người luôn tự cho mình đúng đắn chính là người ngu ngốc nhất.
Tôi có người bạn học thời trung học, cậu ta là người tâm cao khí ngạo, trong tâm luôn chỉ muốn thi vào Học viện Mỹ thuật, nhưng lại thi trượt mấy năm liền. Gần 30 tuổi vẫn chưa có công việc gì nghiêm túc, suốt ngày chỉ ở nhà sống dựa vào bố mẹ. Có lần tâm trạng không vui, khi đã uống rượu say bí tỉ, cậu ta còn khoác lác mình là một nhà nghệ thuật tài ba.
Cho đến lần thứ sáu thi bị trượt, cậu vẫn chưa chịu nhìn lại bản thân, mà khi gặp người còn oán trách rằng tạo hóa trêu người, có tài mà không gặp thời, thậm chí cậu ta còn trách bố mẹ không cho mình một xuất thân tốt.
Nỗi buồn lớn nhất của một người không phải là mình có điều gì đó không ổn, mà là người đó không biết mình có điều gì đó không ổn. Cũng giống như câu chuyện nổi tiếng nói về 3 con chuột lấy trộm dầu ăn. Sau khi chai dầu vô tình bị đổ, lũ chuột bắt đầu đổ lỗi cho nhau.
Con chuột lớn nhất trách con thứ hai hành động bất cẩn; con thứ hai trách con thứ ba quá hấp tấp. Con thứ ba thấy không có ai có thể trách nên đã bịa đặt ra một con mèo không hề tồn tại và đổ lỗi cho chú mèo đó.
Mọi người ai cũng không nghĩ về sai sót của bản thân. Khi gặp vấn đề liền đổ lỗi cho người khác, oán trời trách người, đây chính là “tâm thái của loài chuột”.
Vương Dương Minh từng nói: “Học thì phải biết xét mình, nếu chỉ biết đổ lỗi cho người khác thì sẽ chỉ thấy cái sai của người khác, chứ không thấy chỗ sai của mình”.
Những người luôn quen tìm kiếm vấn đề từ bên ngoài thì không thể thay đổi được hiện trạng, cũng không có được nhận thức rõ ràng bản thân mình.
02
Tâm lý học từng chia con người thành hai loại: Giá trị quan thế yếu và giá trị quan thế mạnh.
Sự khác biệt lớn nhất của hai bên chính là những người có giá trị quan thế yếu khi gặp chuyện, câu hỏi anh ta thường hỏi nhất là: “Cần dựa vào cái gì đây?”. Còn những người giá trị quan thế mạnh thường tự hỏi bản thân: “Tại sao mình lại như vậy?”.
Lâu dần, giữa họ dần dần hình thành một loại Hiệu ứng Matthew: Những người thích đổ lỗi cho hoàn cảnh bên ngoài, trong lòng thường chứa đầy phẫn nộ và oán trách, cuộc sống ngày càng sa sút. Những người luôn tìm kiếm nguyên nhân từ bản thân thì không ngừng hoàn thiện bản thân, thì ngày càng trở nên tốt hơn và mạnh mẽ hơn.
Có một thanh niên bán bảo hiểm, mỗi ngày đều làm việc chăm chỉ, nhưng hiệu suất công việc lại thấp đến đáng thương. Lúc khốn cùng nhất, anh bị chủ nhà đuổi khỏi nhà và chỉ có thể ngủ trên ghế đá công viên vào ban đêm.
Một lần đi bán bảo hiểm ở một tập đoàn, anh không những không bán được gì mà còn bị giám đốc phê bình, rằng: “Sau khi nghe xong lời giới thiệu của cậu, nó chẳng hề khơi dậy hứng thú của tôi với bảo hiểm chút nào”.
Sau khi trở về, anh ta suy nghĩ về lời của vị giám đốc trong nhiều ngày, và cuối cùng nhận ra một điều: Nguyên nhân khiến công việc không thể hoàn thành tốt, bản thân anh nhất định là có vấn đề mà anh chẳng hề hay biết.
Sau đó, mỗi tháng anh đều mời đồng nghiệp và khách hàng đi ăn tối, và bảo mọi người chỉ ra cho biết những thiếu sót của mình, có người nói:
“Tính cách của anh quá hấp tấp, thiếu sự trầm ổn”.
“Tính khí của anh rất xấu, thường tự cho mình là đúng, anh nên lắng nghe lời khuyên của người khác”.
“Trong đạo xử thế, thấy anh có chút ích kỷ…”
Anh ta vừa nghe vừa ghi chép lại những điều này, lúc nào cũng lấy chúng ra để xét lại mình, đốc thúc bản thân không tái phạm nữa.
Sau khi anh thay đổi những thiếu sót trước đây, kết quả công việc rất mau đã được cải thiện, và sau này anh đã trở thành người bán hàng đứng đầu cả nước. Người này chính là Nguyên Nhất Bình, được mệnh danh là “nhân viên bán hàng vĩ đại nhất thế giới”.
Cuộc sống là tu hành, mà tu hành chính là tìm lỗi sai bên trong và tu sửa bản thân mình. Bằng cách lĩnh ngộ thông qua việc phản tỉnh, tu sửa chính mình, người có tài nhờ vậy mà sẽ không ngừng tiến về phía trước.
03
Một nhà văn đã từng nói rằng, mỗi người trên thế giới đều sống trong vòng tròn của riêng mình.
Khi bạn đến một độ tuổi nhất định, thì bạn sẽ phát hiện rằng kẻ thù lớn nhất lại là chính bản thân mình. Luôn tự xét mình là điều khó nhất, cũng là tự ước thúc quan trọng nhất đối với một người.
Steve Jobs từng nói trong một lần diễn giảng rằng: “Trong 33 năm qua, hầu như mỗi ngày tôi đều tự xét lại bản thân mình. Và nó đã giúp tôi chiến thắng bản năng của mình”.
Trong cuộc đời này của ông, dù công ty bị khủng hoảng nhiều lần, hay bị đuổi khỏi hội đồng quản trị, ông cũng không ngã quỵ, không oán trách, mà trái lại không ngừng suy ngẫm và tìm nguyên nhân ở bản thân. Thói quen này đã bắt nguồn từ một trải nghiệm vào thời thơ ấu của ông:
Lúc nhỏ, cậu bé Jobs thường thả diều với bạn bè, nhưng lần nào diều của ông cũng bay thấp hơn của những người khác.
Có lần vừa về đến nhà, ông liền tức giận ném con diều vào góc tường. Cha nuôi thấy ông không vui, liền nói một câu đầy ý vị thâm sâu với ông: “Con à, con phải nhớ rằng dù sau này con có làm gì đi chăng nữa thì trong lòng con cũng phải có hai dấu hỏi. Thứ nhất, tại sao người khác không thể thành công hơn tôi? Con phải giữ trạng thái tâm lý thăng bằng và dám nhận thua. Thứ hai, tại sao mình lại thua người khác? Bình tĩnh phân tích nguyên nhân thất bại và tìm biện pháp giải quyết mới có thể chuyển bại thành thắng”.
Câu nói của người cha nuôi khi đó đã khắc sâu ấn tượng trong Jobs, ông đã tự đặt cho mình thói quen tự vấn bản thân trong mọi việc. Đó là điều mà ông đã thực hiện trong suốt cuộc đời mình.
Ông hoàng kinh doanh Nhật Bản Kazuo Inamori đã từng so sánh cuộc đời với một bãi mìn, khi chúng ta đi qua nó, ít nhiều chúng ta sẽ tiếp xúc với những quả mìn khác, khi chúng ta chạm vào một quả mìn thì phải cảnh tỉnh mình thế nào, đó mới chính là điều then chốt.
Trên đời này không có người hoàn hảo, nhưng mỗi người đều có khả năng và cơ hội để sửa đổi mình. Người thực sự có trách nhiệm với bản thân thường thông qua kinh nghiệm mà nhận thức về bản thân mình, và trong phản tỉnh mà thành tựu chính mình.
Nếu trong cuộc sống đã nói sai điều gì đó, thì lần sau cố gắng ăn nói có chừng mực hơn, đấy chính là sự tiến bộ. Nếu trong công việc mà mắc một việc sai lầm nào đó, thì tranh thủ lần sau tuyệt đối không mắc lỗi lần hai, đấy chính là trưởng thành.
Người biết cách phản tỉnh chính mình chính là người có năng lực làm mới chính mình. Khi những kinh nghiệm trong quá khứ được dung hợp vào sự từng trải trong cuộc sống, thì bạn sẽ trở thành một phiên bản tốt hơn.
Triết gia Hy Lạp cổ Aristotle đã nói: “Giá trị cuối cùng của cuộc sống nằm ở sự thức tỉnh và khả năng tư duy, chứ không phải chỉ ở chỗ sinh tồn”.
Người sang tự biết mình, rồi sau tự phản tỉnh, và cuối cùng là tự ước thúc bản thân. Không biết nghiền ngẫm về bản thân và sửa đổi chính mình, thì cũng như những nắm bột chưa được nhào nặn. Đồng thời, cuộc sống mà không có tự xét mình thì sẽ chỉ giẫm chân tại chỗ, không cách nào tiến lên được.