Tướng lĩnh nào vô cùng trung thành khiến Tào Tháo yêu mến và tin cậy nhất trong Ngũ hổ tướng?

untitled-1-3-2

Trong thời đại sóng gió liên miên, anh hùng hào kiệt đang nơi đâu? Vào những năm Hưng Bình, Kiến An, chính quyền Tào Ngụy bước qua giai đoạn khó khăn của thời kỳ đầu dựng nghiệp, Ngụy Võ Tào Tháo chiếm giữ Duyện Châu, Dự Châu nhưng vẫn vất vả lo nghĩ về giang sơn hỗn loạn đang bị phân chia.

Một hôm, trong trướng của Tào doanh đột nhiên xuất hiện hơn một 100 tráng sĩ cao to, khôi ngô tuấn tú đứng trước mặt Tào Tháo, cầu xin đầu quân góp sức cho Tào Tháo.

Đám người này, người nào cũng đeo bảo kiếm trên người, vừa nhìn đã biết là kiếm khách hiệp sĩ cốt cách chính trực, vô cùng nghĩa khí. Tào Tháo vui mừng khôn xiết, sau khi quan sát thủ lĩnh của đám người này một lúc, Tào Tháo lại càng lộ rõ vẻ tâm đắc.

Vị tráng sĩ trước mặt ông là một người cao hơn tám thước, vòng eo thô to, mắt hổ mày rộng, vô cùng cương nghị giống như thiên binh thiên tướng từ trên Trời giáng trần vậy.

Để có cuộc sống bình an và hút nhiều tài lộc, hãy tham khảo các vật phẩm phong thủy thủ công của Hòn Ngọc nhé!

Lại còn nói giọng huyện Tiếu vô cùng mộc mạc, thông qua âm thanh trầm ấm đặc sệt rồi truyền vào tai, khiến Tào Tháo bỗng nhiên có một cảm giác thân thuộc và vô cùng ấm áp (Tào Tháo là người huyện Tiếu).

Vị tráng sĩ này chẳng lẽ chính là Hứa Chử, một đại lực sĩ thần dũng nổi tiếng khắp các vùng đất Hoài, Nhữ, Trần Lương với sức mạnh và mưu trí hơn người, khiến bọn cướp chỉ mới nghe danh đã khiếp sợ? Tào Tháo cười một cách thoải mái nói rằng: “Đây chính là Phàn Khoái bên cạnh ta đó!”.

Lúc này Tào Tháo đang tạo dựng đại nghiệp của mình ở vùng sông Hoài, Nhữ Thủy, cũng là lúc cần dùng người. Hứa Chử và huynh đệ của ông chính là một món quà lớn mà ông Trời ban cho Tào Tháo, cũng là những năng nhân dị sĩ mà Tào Tháo ngày đêm khao khát.

Hứa Chử: ‘Ném đá kéo trâu’ uy danh lừng lẫy, đánh lùi bọn cướp cứu hương thân

Hứa Chử, tự Trọng Khang, là đồng hương của Tào Tháo. Lại nói, Người xưa rất xem trọng mối quan hệ thân tộc và đồng hương, vì vậy Tào Tháo và Hứa Chử lần đầu tiên gặp mặt đã tự nhiên hình thành mối quan hệ quân thần vô cùng thân thiết. Đương nhiên, thực lực của Hứa Chử mới là cái mà Tào Tháo xem trọng.

Ông sinh vào thời loạn thế, được Trời phú cho thân hình cao lớn, có sức mạnh hơn người, lúc trẻ từng tập luyện được võ nghệ cao siêu. Tuy nhiên, Hứa Chử không phải là một người thô lỗ, mà ông có khả năng quan sát và quyết đoán rất nhạy bén, vào giờ phút then chốt có thể bảo vệ được hương thân và gia tộc của mình, cũng khiến danh tiếng của Hứa Chử được lan truyền đi xa.

Khi đó, thiên hạ có rất nhiều tên cướp chuyên đi chém giết và cướp phá của dân, bá tánh bình thường chỉ có thể rời bỏ quê hương, chạy trốn khắp nơi. Tình hình ở huyện Tiếu thì lại hoàn toàn khác, Hứa Chử xuất thân trong một gia tộc lớn có tiếng tăm ở huyện Tiếu, ông chủ động xin gánh vác trọng trách bảo vệ quê nhà.

Hứa Chử triệu tập các tráng niên trong huyện cùng với người trong dòng tộc của mình tổng cộng mười mấy hộ, cùng nhau xây thành lũy kiên cố để chống lại sự xâm lược của bọn cướp. Khi ấy, bọn cướp ở khu vực Nhữ Nam có hơn một vạn người, bọn chúng nhắm vào thành lũy của Hứa gia, triển khai tấn công quyết liệt. Hứa Chử ở bên trong thành chỉ huy tộc người của mình ứng chiến.

Dù sao địch mạnh ta yếu, sự chênh lệch về sức mạnh quá lớn, bên phía Hứa Chử sắp hết cung tên, lương thực cũng không còn nhiều, mọi người liên tục chiến đấu nên cũng đã mệt mỏi và kiệt sức. Còn bọn cướp ở bên ngoài thành dựa vào chiến thuật biển cường, không ngừng bổ sung binh lực và vũ khí, thế tấn công càng lúc càng mạnh.

Hứa Chử biết rằng nếu tiếp tục chiến đấu như vậy cũng không phải là cách, cần phải nghĩ ra một kế sách để bọn cướp khiếp sợ, khiến chúng không chiến mà lui.

Đầu tiên Hứa Chử kêu gọi mọi người trong thành bất luận là nam hay nữ đều phải hành động, cùng nhau thu thập những tảng đá lớn, rồi đặt chúng ở xung quanh thành lũy. Sau khi bố trí hoàn tất, Hứa Chử bước lên trên tường thành nhìn ra xa, đúng lúc bọn cướp lại đang tiến hành thêm một lượt tấn công mới.

Chỉ thấy hai mắt của Hứa Chử trợn tròn, bê một cục đá lên, kẻ địch còn chưa kịp định thần, cục đá đã bay ra ngoài, ném trúng một tên cướp. Tên này ngay lập tức máu bắn tung tóe, ngã xuống bất động.

Tiếp theo, cánh tay của Hứa Chử quơ qua quơ lại, lại có thêm mấy cục đá từ trong tay ông bay ra ngoài. Đá bay đến nơi nào cũng có uy lực giống như pháo nổ, bọn cướp nếu không bị đứt gân gãy cốt thì cũng là chảy máu mà chết, những kẻ may mắn không bị đá ném trúng thì cũng ôm đầu bỏ chạy, vô cùng thảm hại.

Hứa Chử thể hiện kỹ năng ném đá này vô cùng chuẩn xác, trăm phát trăm trúng, thành công làm suy giảm ý chí chiến đấu của bọn cướp. Bọn cướp lúc đến vô cùng hung hăng, lúc này kêu la thảm thiết, những âm thanh van xin tha mạng kéo dài không ngớt, có lẽ họ đều đang nghĩ rằng, có một thần tiên ở bên trong thành, nên mới khiếp sợ như vậy.

Hứa Chử thấy thời cơ đã chín muồi, liền hét lớn tiếng: Muốn sống thì ngưng chiến đi, bọn ta dùng trâu để đổi lấy mấy bao lương thực của các ngươi được không? Bọn cướp đều chỉ mong mau chóng làm hòa, sớm tránh xa tên tráng sĩ cao to này mà thôi, vì vậy đã đồng ý điều kiện của Hứa Chử.

Chuyện không thể ngờ tới lại xảy ra lần nữa, trâu nhận chủ của mình, trong quá trình giao dịch, trâu vừa mới được giao vào tay của bọn cướp, nó liền chạy quay về chỗ cũ. Hứa Chử làm sao có thể để bọn cướp thực hiện cuộc giao dịch “lỗ vốn” được chứ, thế là ông bước ra khỏi tòa thành, bước đến bên cạnh con trâu, không nói một lời nào, dùng sức kéo lấy đuôi của con trâu, kéo nó đi theo hướng ngược lại.

Con trâu này ít nhất cũng phải mấy trăm cân, nhưng nó không thể bước về phía trước được nữa, mà bị Hứa Chử kéo lê từng bước đi đến trước mặt bọn cướp.

Bọn cướp nhìn thấy Hứa Chử cao to lực lưỡng giống như một cái bóng khổng lồ che mất ánh nắng trên đỉnh đầu, cái bóng khổng lồ này đang tiến gần đến bọn họ. Mỗi một tiếng bước chân lại càng khí thế kinh thiên động địa. Đối phương hoàn toàn bị khuất phục, một người có thần lực như vậy trấn giữ thành lũy Hứa gia, bọn họ làm sao có thể thắng được chứ?

Vì vậy khi Hứa Chử vừa đi đến trước mặt bọn cướp, bọn cướp khiếp sợ đến nỗi co chân chạy mất, trâu hay lương thực đều bỏ lại cả. Từ đó, danh tiếng của Hứa Chử truyền đi khắp giang hồ, không ai dám có ý định dòm ngó thành lũy của Hứa gia nữa.

Trận chiến này của Hứa Chử mặc dù chỉ là một trận chiến bảo vệ thành rất bình thường, nhưng lại thể hiện được đặc điểm có trách nhiệm, có gánh vác, trí dũng song toàn và lâm nguy không loạn của ông. Những phẩm chất ưu tú này cũng là cơ sở quan trọng giúp ông thành công bảo vệ được Tào Tháo sau này.

Dự cảm bất thường quay về trại, kịp thời cứu giá phút lâm nguy

Trong ngày đầu tiên sau khi đầu quân cho Tào Tháo, Hứa Chử đã được bổ nhiệm làm Đô úy, cũng tức là Phó trưởng quan của đội thân vệ (đội vệ sĩ thân cận). Tào Tháo ví Hứa Chử là Phàn Khoái của thời kỳ Sở Hán, có thể thấy được rằng ông đã gửi gắm kỳ vọng vào Hứa Chử lớn như thế nào.

Bởi vì Phàn Khoái được người đời ca tụng nhiều nhất chính là sự tích anh dũng dốc toàn lực giải cứu Lưu Bang trong Hồng Môn yến, cùng với phong thái uống rượu ăn thịt vô cùng hào sảng. Lúc này, nếu như Điển Vi vẫn còn sống, chắc chắn sẽ là Trưởng quan của đội thân vệ.

Nếu như so sánh, tính cách hào sảng, thích rượu thịt của Điển Vi thì càng giống với hình tượng của Phàn Khoái hơn. Có lẽ vào thời điểm khi đó, Tào Tháo đã nhận định Hứa Chử có thể giống như Điển Vi, trung thành với chức trách và bảo vệ ông thật tốt. Lời bình trong “Tam Quốc Chí” cũng so sánh hai người ngang hàng: “Hứa Chử, Điển Vi bảo vệ trái phải, đều được xem là Phàn Khoái của nhà Hán”.

Trước khi diễn ra trận Uyển Thành, cũng từng có một thời gian ngắn ngủi mà hai vị tráng sĩ Điển Vi và Hứa Chử hợp tác với nhau, một trái một phải hộ vệ bên cạnh Tào Tháo.

Tranh chân dung của Ngụy Võ Đế Tào Tháo (Phạm vi công cộng)Tranh chân dung của Ngụy Võ Đế Tào Tháo (Phạm vi công cộng)
Tranh chân dung của Ngụy Võ Đế Tào Tháo (Phạm vi công cộng)

Sau khi Điển Vi chết, Hứa Chử trở thành người đứng đầu bảo vệ Tào Tháo. Tuy rằng từng có nhân tài kiệt xuất như Điển Vi đi đầu, nhưng Hứa Chử làm hộ vệ thân cận vẫn có điểm nổi bật của mình, hơn nữa ở phương diện mưu trí dường như ông còn giỏi hơn Điển Vi.

Năm Kiến An thứ 5 (năm 200), Tào Tháo và Viên Thiệu quyết chiến tại Quan Độ, bởi vì binh lực tương đối yếu nên Tào Tháo đánh trận vô cùng gian nan, thậm chí có một lần còn dự tính sẽ đưa quân quay về Hứa Đô nghỉ ngơi và chỉnh đốn.

Lúc này, trong nội bộ Tào doanh lòng người hoang mang, có một số quân lính không muốn san sẻ nỗi lo với chúa công của mình, ngược lại còn tín sẵn được sống cho mình từ trước.

Trong đội vệ sĩ có một người tên Từ Tha, người này nảy sinh ý nghĩ xấu xa, câu kết với vài tên đồng bọn của mình bí mật lên kế hoạch ám sát Tào Tháo, sau đó quay sang đầu quân cho Viên Thiệu. Sau khi cả bọn bàn bạc xong đều nhất trí cho rằng, chỉ có Hứa Chử là chướng ngại lớn nhất trong toàn bộ hành động lần này.

Sở hữu thân hình cao to lực lưỡng cùng với sức mạnh bẩm sinh hơn người, bản thân Hứa Chử chính là một bức tường sắt thép. Khi Hứa Chử trực ca, lúc nào ông cũng đi theo Tào Tháo một bước không rời, vốn dĩ không cho người khác có một cơ hội nào để ra tay. Đám người của Từ Tha giao hẹn với nhau, đợi khi Hứa Chử nghỉ phép thì đó chính là lúc hành động.

Cuối cùng bọn họ cũng đợi đến ngày Hứa Chử nghỉ phép, sau khi đám người của Từ Tha xác định Hứa Chử đã rời khỏi lều của Tào Tháo, nhân lúc xung quanh không có ai, bọn họ mang theo vũ khí lẻn vào bên trong. Bên trong lều có một bóng người cao lớn nhưng rất mờ ảo dưới ánh sáng mờ nhạt, đám thích khách cẩn thận bước lên phía trước, chuẩn bị rút đao ra hành thích.

Khi bọn cướp bước tới gần thì liền lạnh cả sống lưng: Bóng người này còn cường tráng hơn Tào Tháo rất nhiều, đây đâu phải là Tào Tư Không phụng thiên tử chứ, rõ ràng là Hứa Trọng Khang ném đá kéo trâu! Chẳng lẽ kẻ này luyện thuật phân thân hay sao?

Hứa Chử thấy đám người của Từ Tha lén lút đi vào lều của Tào Tháo, nhìn thấy mình lại hoảng sợ tái xanh mặt mày, hai chân run rẩy giống như mất đi ba hồn bảy vía vậy. Ông bèn lập tức rút binh khí ra đâm chết đám người này.

Tại sao Hứa Chử lại xuất hiện trong lều? Thì ra, sau khi ông quay về chỗ ở của mình, đột nhiên cảm thấy trong lòng bồn chồn không yên, giống như sắp xảy ra chuyện lớn gì đó. Hứa Chử giống như động vật nhạy cảm nhất trong rừng, có thể ngửi được mùi nguy hiểm từ trước.

Ông là người luyện võ, trước giờ luôn nhanh nhạy, và còn có giác quan thứ sáu mạnh hơn người thường, vậy nên ông lập tức quay lại lều của Tào Tháo kiểm tra, đúng lúc bắt được đám người của Từ Tha.

Trải qua sự việc hành thích hữu kinh vô hiểm lần này, Tào Tháo lại càng tín nhiệm và xem trọng Hứa Chử hơn, từ đó trở đi hai người đi đâu cũng như hình với bóng, nửa bước không rời.

Có một số người còn diễn giải hành động cứu giá của Hứa Chử theo khuynh hướng ông tự đạo tự diễn ra vở kịch này: Hứa Chử đã sớm phát hiện ra dấu vết mưu phản trong doanh trại, lấy lý do nghỉ phép để dụ bọn thích khách chủ động ra tay, sau đó khống chế bọn họ.

Một mũi tên trúng hai đích, vừa có thể hóa giải được nguy cơ, vừa có thể làm cho những kẻ địch khác đang lẩn trốn trong doanh trại phải khiếp sợ. Bất luận là sự cảnh giác bẩm sinh hay là kế sách vẹn toàn đều chứng minh Hứa Chử không hổ là đệ nhất bảo tiêu nối tiếp Điển Vi. (còn nữa)

Nguyệt Hòa
Theo epochtimes(Châu Yến)

Xem thêm
Chia sẻ bài viết: