Blog
Vất vả nuôi 4 con trai thành đạt nên người, cha ngã bệnh không nhận chăm
Một câu chuyện đáng suy ngẫm ở đời.
Chị giáo ơi! Chị giáo ơi! Chị có đang ở nhà không hử?
Dạ! Cháu đây! Bà Na gọi cháu à? Có chuyện gì mà bà có vẻ hốt hoảng thế? Ông lại đau à?
– Không! Chị lấy lương chưa cho bà vay 5 triệu, ông lão nhà bà ốm nặng quá rồi chắc không qua khỏi. Bà ra chợ đặt tiền hàng tạp hóa trước .
– Hôm qua, cháu sang chơi thấy ông vẫn khoẻ và nói chuyện bình thường mà.
Ông bảo bà sang gọi cháu, ông nhờ cháu việc gì ấy!
Tôi vào nhà lấy tiền đưa bà Na 5 triệu đồng rồi chạy sang thấy ông Lĩnh đang nằm trên giường, đắp chiếc chăn mỏng ngang người, mắt nhìn lên trần nhà, hai hàng nước mắt chảy dài xuống cả mang yai. Thấy tôi sang, ông quay mặt ra nhìn tôi nói:
Chị giáo sang chơi à? Hôm nay, ông không ngồi dậy nói chuyện cùng chị giáo được rồi! Có lẽ ông “hỏng” mất rồi!
Ông quở mồm, không sao đâu ông ạ! Ông chịu khó ăn cháo, uống sữa vào là khoẻ mạnh thôi! Cháu gọi điện các anh chị về cho ông đi viện nhé!
Đừng gọi! Ông cấm chỉ cháu hay bất cứ ai gọi điện cho đứa nào về! Khi nào ông chết, dân làng chôn cất xong xuôi thì gọi cũng không muộn.
Bà Na đang ngồi ở cuối giường xoa bóp chân cho ông Lĩnh vừa sụt sịt khóc, ông chậm rãi nói trong khó nhọc.
Tiện có chị giáo là người hàng xóm hay sang chơi với ông bà, ông coi chị giáo như người trong nhà nên cũng không dám giấu giếm gì cháu cả. Ông có 4 thằng con trai, bất hiếu cả bốn.
3 tháng trước, giỗ ông nội nó cũng là bố của ông. Làm giỗ xong, ông bảo 4 đứa là: Tiện hôm nay chúng mày về cho bố đi lên viện Phổi trung ương khám lại và lấy thuộc uống. 6 tháng trước, mẹ khỏe mẹ đưa bố đi khám, bác sĩ bảo bố K giai đoạn 3, bố đã điều trị và về nhà uống thuốc một thời gian nhưng người vẫn sút cân, mệt không ăn được.
4 đứa chúng nó nghe xong liền im thin thít, nhìn nhau không nói câu gì. Thằng con út lấy ví đưa 2 triệu, ba thằng anh mỗi thằng 3 triệu. Chúng nó bảo mẹ thuê xe ô tô đưa bố lên viện khám, hoặc mẹ mang đơn thuốc lên chỗ viện cũ mà lấy. Bố cũng biết bệnh của mình rồi không thể khỏi được đâu, bố cứ làm nũng! Bốn cô con dâu bảo chúng con còn bận đi làm, không nghỉ được. các cháu còn nhỏ phải đưa đón chúng nó đi học.
Nghe lũ con nói thế, lòng tôi đau hơn cắt chị giáo ạ. Nghĩ lại ngày chúng còn bé, trời rét, tôi mặc quần đùi đánh giậm kiếm con tôm con tép về nuôi chúng, tôi ăn đói, nhịn khát dành cho chúng bát cháo, miếng cơm không phải ăn độn. Hai vợ chồng đấu thầu thêm hàng mẫu ruộng để cấy lúa, bán lợn để nuôi chúng ăn học cho bằng bạn bằng bè, nghĩ sau này khi về già vợ chồng nương tựa vào con. Ai ngờ, bây giờ tôi đổ bệnh thì chúng lại lảng tránh, xót quá chị giáo ơi!
Ông nói xong, rướn nước bọt vào trong. Tôi rót cốc nước lọc đỡ đầu lên cho ông uống. Ông bảo cho ông ngồi dựa vào tường nhà. Tôi và bà Na làm theo yêu cầu của ông, đỡ ông ngồi dậy.
Ông Lĩnh quệt dòng nước mắt đang chảy xuống cằm rồi nhìn xung quanh nhà, sau đó nhìn bà Na và nhìn tôi rồi bảo:
Nếu tôi đi rồi, bà bĩnh tĩnh rồi nhờ chị giáo gọi điện báo cho chính quyền địa phương biết, gọi giúp tôi dịch vụ hỏa táng Văn Điển về làm thủ tục cho tôi lên đấy! Tiền tôi để trong túi áo vest treo trong tủ. Bà đứng lên lo liệu cho tôi, không làm cỗ bàn gì cả chỉ làm vài mâm cơm thợ kèn và anh em thúc bá thôi, xây mộ đơn giản rồi gắn cái bіа vào để sau này bà ra chơi cùng tôi khỏi nhầm lẫn là được. Bà yên tâm, tôi sẽ ở bên cạnh bà suốt ngày suốt đêm, cho nên, bà không được buồn, không được khóc, bà ở lại chịu khó ăn uống đầy đủ, khỏe mạnh là tôi yên tâm rồi!
Còn chị giáo đi lớp thì thôi, ngày nghỉ thỉnh thoảng buổi tối sang chơi với bà nhé !
Vâng, cháu sang bên ông bà chơi suốt ngày mà!
Bà Na mếu máo vừa khóc vừa bảo ông cứ yên tâm tôi sẽ làm như ông dặn. Hai ông bà ôm nhau khóc lóc, ai nhìn thấy chắc cũng không cầm nổi nước mắt.
Ngoài hiên nhà, trời bắt đầu vào thu rồi, nhưng sao trời cứ nóng hầm hập như chảo lửa úp xuống từng người.
Tôi tranh thủ nhắn tin cho các con của ông nên thu xếp việc, về quê thăm bố kẻo muộn, sau đó dặn anh chị về nhà, nếu ông hỏi tại sao lại về nhà đúng lúc này thì cũng đừng nói là tôi bảo, kẻo phiền hà. Thôi thì lần này làm trái lời ông Lĩnh một chút, vì nghĩ rằng các con ông sẽ về xin lỗi ông, để ông có mệnh hệ gì thì cũng được thanh thản cõi lòng.
Chị giáo ơi, chị vào cho ông nằm xuống giường giúp bà với!
Tôi quay vào nhà thì ông nói:
Để cho tôi ngồi dựa lưng vào tường nhà thêm một lát nữa.
Ông có thèm ăn, uống gì không cháu mua?
Ông nói thèm ăn bánh trôi, tôi phóng xe máy ra chợ mua 2 đĩa tiện mời cả bà ăn luôn cùng ông nhưng ông cũng chỉ ăn được có ba viên bánh nhỏ, để cho ông nghỉ một chút tôi pha cốc sữa động viên ông uống thêm nhìn bàn tay ông run rẩy, khô héo, chỉ còn da bọc xương đen sạm mà thương xót làm sao!
Mới ngày nào ông khoẻ mạnh, nhanh nhẹn nước da hồng hào, ông tham gia hội người cao tuổi của xã, ông tích cực ngâm thơ, hát chèo vui nhộn khi đang ở tuổi 65, mà giờ đây nhìn ông như một tàu lá héo không còn nhựa sống.
Thi thoảng, những cơn đau hành hạ làm ông lăn lộn, cuộn tròn trong vỏ chăn, có lúc ông cắn răng chịu đựng đến toé máu, rồi những trận đau tăng dần khiến sức chịu đựng về tinh thần và thể xác của ông vượt quá mức giới hạn.
Ông gào khóc, rên rỉ, lúc ấy bà Na chạy sang gọi tôi qua tiêm Morphine cho ông để ông đỡ đau.
Có lẽ lần này, ông không trụ được nên dặn dò vợ ông nhiều thứ đến thế!
Tiếng xe máy,ô tô sầm sập đỗ ngoài sân các con ông nối tiếp nhau trở về, chúng hớt hải chạy vào trong nhà đứa đứng đứa ngồi nhìn bố khóc lóc. Ông Lĩnh không nói không thèm nhìn mặt các đứa con của mình.
Ông nhắm mắt nằm im cả tám đứa thi nhau gọi, hỏi; đứa cầm tay, đứa lay người mà ông coi như không cảm giác gì. Chúng quay sang nói với mẹ gọi bố tỉnh dậy có dặn dò gì chúng con không nhưng bà Na chỉ ngậm ngùi khóc rồi lắc đầu.
Thấy ồn ào náo loạn, ông Lĩnh cảm thấy nhức đầu, tôi đứng dậy ra về thì nghe tiếng ông nói rõ ràng từng từ đanh thép mà như cứa từng khúc ruột.
Chúng mày nghe rõ tao dặn này: Nếu có kiếp sau, tao chỉ mong không phải làm bố của chúng mày!
Lan Hòa biên tập
Nguồn: Phunudoisong.vn