Về già, dù mối quan hệ của bạn với con cái có tốt đến đâu, bạn vẫn cần hiểu rõ “Định luật con quạ”
Trong rừng rậm, có một con quạ muốn chuyển nhà, bởi vì nó bị cô lập với những loài động vật nhỏ.
Chim bồ câu nói với nó: “Nếu bạn không thay đổi chính mình thì dù có đi đâu cũng vô ích”.
Sau đó, con quạ bắt đầu hướng nội và suy nghĩ sâu sắc về bản thân.
Đây chính là “Định luật con quạ” – khi cuộc sống thống khổ, người cần thay đổi không phải người khác mà là chính mình.
Khi về già, con người tất yếu phải hòa thuận với con cái, thậm chí phải sống lâu dài trong nhà con cái. Nếu không muốn bị ghét bỏ, vậy thì phải học “Định luật con quạ”.
Nếu bạn không thay đổi những khuyết điểm của bản thân mà cứ lựa chọn trốn tránh, thì bản chất của vấn đề không những không được giải quyết, mà càng rước thêm về nhiều rắc rối.
Bất kể bạn đang nhìn vào bản thân hay con cái, bạn phải phát huy điểm mạnh của mình và hạn chế những khuyết điểm để mối quan hệ phát triển theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
1. Rời xa “miệng quạ đen”, cuộc sống thật yên bình
Tôi thường nghe câu này: “Tôi đã đi trên nhiều cây cầu hơn bạn đã đi qua; tôi đã ăn nhiều muối hơn bạn ăn cơm”.
Đúng vậy, người lớn tuổi có kinh nghiệm xã hội phong phú, họ đã gặp phải nhiều hỗn loạn trong xã hội và đã thử nhiều loại phương thức xử lý khác nhau.
Khi các thành viên trong gia đình hòa thuận, người lớn tuổi chắc chắn sẽ khoe khoang thâm niên và hùng hồn nói về mọi việc.
Lúc đầu, con cái sẽ cho rằng cha mẹ là đấng toàn năng nên rất nghe lời. Tuy nhiên, sau khi con cái bước vào xã hội một khoảng thời gian, chúng bắt đầu có sự hiểu biết của riêng mình và bắt đầu hoài nghi, thậm chí hoàn toàn bác bỏ quan điểm của cha mẹ.
Thời thế đang thay đổi, kinh nghiệm sống của thế hệ trước có thể không áp dụng được cho thế hệ sau.
Lấy bố mẹ tôi làm ví dụ, họ cả đời sống ở miền núi xa xôi và không biết gì về sự phát triển của thành phố.
Khi tôi nói chuyện với bố mẹ về việc mua bán nhà, xe cộ ở thành phố, họ chẳng biết gì cả.
Cha mẹ nói: “Nếu bỏ ra hai đến ba tỷ để mua một căn hộ, còn không bằng ở nông thôn cũng có thể xây một tòa nhà”.
Khi bố mẹ tôi đến thăm họ hàng thân thích ở thành phố, họ nói: “Phòng khách này không đẹp bằng phòng chính ở quê tôi”. Đột nhiên, vẻ mặt của người họ hàng trở nên khó coi.
Về việc chăm sóc em bé, giáo dục con cái, lựa chọn trường học, phân phối thu nhập, tương tác xã hội, v.v., nhận thức của cha mẹ khó để theo kịp xã hội hiện đại.
Rõ ràng, khi cha mẹ nói quá nhiều sẽ trở thành những lời “cằn nhằn” không ngừng. Con cái không chịu nổi, con dâu và con rể càng không chịu nổi. Kết quả người một nhà bắt đầu cãi nhau.
Là người già, cha mẹ nên học cách im lặng, im lặng và quan sát sự phát triển của thời thế và cuộc sống của con cái. Nếu buộc phải lên tiếng, hãy cho nhiều lời khen hơn và chủ động đồng tình với cách làm của con; khi thấy những điểm sáng ở những người xung quanh, hãy nói với giọng khẳng định.
Người xưa có câu: “Thị phi đều bởi vì nói quá nhiều”. Từ trong nhà cho đến ra bên ngoài, hãy ghi nhớ lời khuyên, cảnh báo này.
2. Đừng nhìn “lông quạ”, hãy nhìn vào ưu điểm của con người
Có một câu chuyện trong truyện ngụ ngôn Aesop.
Một con quạ muốn làm Vương của các loài chim, nên đã ra bờ sông tắm rửa, tìm một số chiếc lông vũ đẹp đẽ, cắm lên người và dùng keo dán lại.
Khi Zeus nhìn thấy con quạ, ông thấy nó vô cùng đẹp mắt và nói: “Ta sẽ phong ngươi làm Vương của các loài chim”.
Bầy chim nghe thấy, vô cùng tức giận, chen nhau bay đến nhổ hết lông vũ của chúng trên người con quạ.
Vì thế, bộ lông sặc sỡ trên người con quạ thoáng chốc đã không còn một chiếc. Nó lại trở về bộ dạng xấu xí như xưa.
Hóa ra với sự giúp đỡ của người khác, bạn có thể tạo ra ảo ảnh về vẻ đẹp, nhưng cuối cùng nó sẽ bị lột bỏ và lộ ra nguyên hình.
Khi người già sống hòa hợp với con cháu, họ có xu hướng nhìn chằm chằm vào bề ngoài thay vì suy nghĩ, phân tích sâu sắc, bởi vậy nên nhìn thấy cái gì cũng đều không vừa mắt.
Suy cho cùng, thế hệ trẻ sẽ không sống theo sự sắp đặt của người lớn tuổi, còn có rất nhiều điều họ không thích.
Anh họ tôi đến thành phố để giúp chăm sóc cháu trai.
Cháu trai được 80 điểm trong kỳ thi. Anh họ tôi vừa xem bài thi liền nói: “Nhìn kìa, tám cộng tám tính sai rồi, học hành như vậy sao?”
Tại sao người anh họ không nhìn thấy được 80 điểm mà lại thấy sai 20 điểm? Đây là biểu hiện thực sự của “hiệu ứng hào quang”, nơi mọi người quen nhìn vào một tiêu điểm nhất định và bỏ qua những nơi khác.
Anh họ tôi nhìn thấy con nhà hàng xóm Tiểu Mao được 92 điểm, anh ấy thuận miệng nói: “Con người ta, ngoan ngoãn biết nghe lời, giỏi như vậy. Còn cháu trai tôi thì vô tích sự”.
Lông quạ đen tuyền, thoạt nhìn có vẻ không đẹp đẽ, thế nhưng sao người già cứ chỉ nhìn vào một điểm đó, mà không nhìn vào mắt quạ và sự khôn ngoan của quạ?
Câu chuyện “Con quạ uống nước” cho chúng ta biết rằng, trong một chai nhỏ không có nhiều nước, con quạ có thể uống nước bằng cách nhặt đá bỏ vào chai. Đây là phần thưởng cho trí khôn của quạ, còn hơn cả việc nhìn lông quạ bằng con mắt soi xét.
Người lớn tuổi, nên chú ý hơn đến ưu điểm của con cháu mình, đừng lúc nào cũng nhìn chúng bằng con mắt soi xét. Ví dụ, nếu con trai bạn làm việc bán thời gian và con gái bạn làm lao công dọn dẹp thì sự chăm chỉ và mồ hôi của con bạn là những điều đẹp đẽ nhất, đừng so sánh chúng với những người giàu có, hào nhoáng bên ngoài.
3. Với “trái tim quạ”, hãy học cách biết ơn
“Zengguang Xianwen” nói: “Con quạ có nghĩa phụng dưỡng cha mẹ, con cừu có lòng tốt quỳ xuống cho con bú”.
Con quạ nuôi con lớn khôn, và quạ con sẽ biết ơn điều đó.
Người già đã nuôi dạy con cái, và con cái ngày nào cũng sẽ ân cần quan tâm thăm hỏi người già, nếu bạn hiểu rõ hơn về điều này thì mối quan hệ gia đình sẽ hoàn toàn được cải thiện.
Nhiều người già coi việc con cái hiếu thảo là chuyện đương nhiên, nhưng khi con cái làm điều gì không tốt thì họ liền oán khí ngút trời.
Cũng có một số người lớn tuổi rõ ràng không thiếu tiền, nhưng lại cảm thấy bực bội canh cánh trong lòng khi con cái không tặng phong bao lì xì màu đỏ trong những ngày lễ ngày tết.
Cũng có một số người lớn tuổi có con cái mua quần áo cho, nhưng thấy kiểu dáng không đẹp, liền phàn nàn hoặc cất đi không mặc. Theo thời gian, hành động biết ơn của con cái cũng bị khóa chặt.
Lòng biết ơn luôn là “chạy theo cả hai hướng”, không phải là việc người già chờ đợi người trẻ làm điều gì đó.
Khi người già có sức khỏe tốt thì có thể giúp chăm cháu và làm một số việc nhà, khi người già ốm đau và không đi lại được thì con cháu có thể chăm sóc lại.
Người già khi nhận được sự quan tâm của con cháu thì nên nói nhiều lời tốt đẹp, bớt lời nói xấu xa tục tĩu, để hành động của con cháu được công nhận.
Nghĩ mà xem, bởi vì mẹ quạ đã nuôi dưỡng quạ con, bởi vậy đổi lấy sự cảm ân!
4. Kết luận
Nếu không có gì bất ngờ xảy ra, thì người già trên khắp thế giới đều hy vọng con cái họ sẽ có mối quan hệ thân thiện với họ.
Để thay đổi mối quan hệ, không phải là yêu cầu con cái làm gì mà là người lớn tuổi hãy chủ động thay đổi bản thân, làm điều gì đó yêu thương, có thiện ý và nói những lời ấm áp, khích lệ.
Nếu trong mắt người già có mùa xuân, thì con cháu chính là đóa hoa mùa xuân, nếu trong lòng người già có con cháu thì người già cũng sẽ được quan tâm.
Hãy học thấu luật con quạ và dùng điểm mạnh của mình để tránh điểm yếu, nơi nào có bóng tối nơi đó cũng sẽ có hơi ấm.
Kỳ Mai biên dịch
Tống Vân – aboluowang