Blog
Vị hoàng đế nhân nghĩa, hiếu thảo trong lịch sử Trung Hoa
Trong suốt 23 năm trị vì của Hán Văn đế, ông mở lòng ban ân đức với khắp cả thiên hạ, trấn an chư hầu, ngoại tộc tứ phương hòa hợp. Trong thời gian trị vì của mình, ông luôn bảo trì đức tính siêng năng tiết kiệm, ăn mặc hết sức giản dị. Về phương diện chính trị, việc bãi bỏ nhục hình đã tạo bước đệm cho nhà Hán bước vào thời kỳ thịnh lượng, an định, bách tính an cư lạc nghiệp, quốc gia hưng thịnh phát đạt. Đây là “xã hội hài hòa” hiếm có trong lịch sử Trung Quốc.
Vị hoàng đế nhân từ, khiêm nhường
Hán Văn Đế họ Lưu tên Hằng, là con trai thứ 3 của Hán Cao Tổ Lưu Bang. Hán Văn Đế tại vị 24 năm, coi trọng đức trị, phục hưng lễ nghi, yêu thương dân như con.
Văn Đế chú trọng phát triển nông nghiệp, đến thời gian gieo hạt ông đích thân dẫn đại thần đến vùng nông thôn cày ruộng, gieo hạt. Các hành động và biện pháp của ông đã khiến cho xã hội thời Tây Hán ổn định, nhân đinh hưng vượng, kinh tế được khôi phục và phát triển.
Tuy là hoàng đế, Hán Văn Đế vẫn vô cùng khiêm nhường, hơn nữa khi biết được mình sai liền sửa chữa. Trong thời gian tại vị, ông không xây cung thất mới, dùng tiền tiết kiệm xây cung điện để chăm sóc người già và trẻ mồ côi.
Bởi vì ông quản lý quốc gia có phương pháp nên đã trở thành một vị hoàng đế hiền minh trong lịch sử Trung Quốc, thế nên cùng với Hán Cảnh Đế, ông được lịch sử ca ngợi là “thời kỳ thịnh trị Văn Cảnh” (Văn Cảnh chi trị).
Một vị hoàng đế hiếu thuận
Hán Văn Đế không chỉ giỏi trị quốc, ông còn có thiên tính hiếu thuận. Việc đầu tiên mà ông làm mỗi khi thức dậy là đến chào hỏi mẹ, mỗi tối trước khi ngủ ông cũng đều đến vấn an mẹ.
Khi Hán Văn Đế vừa lên ngôi thì Bạc Thái hậu bị bệnh kéo dài ba năm liền không dậy nổi. Dù là Hoàng đế, ông vẫn tận tâm dốc sức ở bên giường chăm sóc mẹ, không đêm nào ngủ tròn giấc. Có những hôm ở bên giường bệnh chăm sóc mẹ, sợ mẹ tỉnh dậy gọi mà không thấy nên ngay cả quần áo tọa triều, ông cũng không thay.
Mỗi khi thuốc được thái y sắc mang lên, Hán Văn Đế đều tự mình nếm thử trước xem thuốc có nóng không, có đắng quá không rồi ông mới mời mẹ uống.
Bạc Thái hậu thấy con trai vất vả, bèn nói: “Trong cung có nhiều người như vậy, họ đều có thể chăm sóc cho ta. Hoàng thượng không cần phải vất vả chăm sóc ta như vậy. Hơn nữa, bệnh của ta cũng không phải hai, ba ngày là khỏi ngay được.”
Hán Văn Đế nghe xong, liền quỳ xuống nói: “Nếu con không thể ở bên cạnh, tự thân chăm sóc mẫu thân thì đến lúc nào mới có cơ hội?”
Ba năm sau, Thái hậu rốt cuộc dần khỏi bệnh. Tất cả mọi người đều nói rằng đó là nhờ vào công chăm sóc phụng dưỡng của Hán Văn Đế. Cũng từ đó về sau, văn võ bá quan và dân chúng càng thêm kính yêu và noi theo Hoàng đế.
Dùng lời nói dạy bảo giáo hóa không thể khiến người ta tâm phục, duy chỉ có dùng chính hành động bản thân mình mới có thể thu phục giáo hóa một cách vô hình. Câu chuyện này đã nói rõ ràng rằng, chữ hiếu không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt sang hèn.
Chỉ cần có tâm, thì mỗi cá nhân đều có thể thực hiện được hết chức trách bổn phận, thực thi trọn vẹn đạo hiếu.
Lan Hòa
Nguồn: Sound Of Hope (Tịnh Âm)