Vị hoàng hậu hiền đức nào khiến Càn Long đế thương nhớ suốt 51 năm cuộc đời?

da-sua-1

Hiếu Hiền Thuần Hoàng Hậu (孝賢 純 皇后, 1712–1748), còn có tên gọi khác là Phú Sát Hoàng Hậu. Không tham dự chuyện triều chính như Hiếu Trang Hoàng Thái Hậu(孝莊 皇太后 1633–1688) hay mang nhiều tham vọng như Từ Hi Thái hậu (慈禧太后, 1835-1908), nàng là người vợ được vua Càn Long hết mực sủng ái, đồng thời là vị hoàng hậu đức hạnh nhất của triều đại nhà Thanh.

Nàng Phú Sát được đích thân Hoàng đế Ung Chính chọn làm con dâu

Hoàng hậu xuất thân trong gia tộc Phú Sát thị thuộc Mãn Châu Tương Hoàng kỳ. Thân sinh của nàng là Nhất đẳng Thừa Ân công Lý Vinh Bảo, nội tổ phụ là quan viên quản lý ngân khố triều đình, thúc bá là quan đại thần của triều đình. Mặc dù được sinh ra và dưỡng dục trong gia đình dòng dõi trâm anh thế phiệt, nhưng hoàng hậu luôn giữ cốt cách khiêm tốn của một người phụ nữ thanh lịch và trang nghiêm.

Vào một ngày đẹp trời, Ung Thân Vương – sau này là Hoàng đế Ung Chính (雍正 帝) bất ngờ đến thăm phủ đệ của phụ thân nàng, khi ấy nàng chỉ là một tiểu nữ tròn chín tuổi. Sau khi được vấn an, Ung Thân vương đi chung quanh thư phòng được bày biện sạch sẽ, gọn gàng các loại kinh văn. Tiện tay cầm lấy một quyển, Ung Thân vương bật thốt lên khen ngợi chữ trong sách viết tinh giai, bút lực mạnh mẽ, có phong thái giống với chữ của Âu Dương Tuân, Liễu Công Quyền. Ông đã vô cùng ấn tượng khi biết đó là chữ viết của tiểu nữ nhà Lý Vinh Bảo nên đã truyền gọi và cao hứng lấy giấy cọ, yêu cầu cách cách viết bài thơ “Cổ Bắc Khẩu” của tiên đế Khang Hy.

Ung Thân vương muốn xem khả năng giảng giải thơ của thánh tổ thế nào nên yêu cầu tiểu nữ của Phú Sát gia giải thích. Cách Cách đáp rằng: “Tại đức bất tại hiểm’ là ở Sử ký, Tôn Tử-Ngô Khởi truyện, trường thành hiểm cố, không có đức chính, không có minh chính, vũ hảo nơi hiểm yếu cũng là ngăn không được Ba Đồ Lỗ của Mãn tộc ta. Chỉ có lý lẽ hiểu rõ, tu nhân, tu đức, có kỷ cương, mới có thể thống trị thiên hạ”. Ung Thân vương khen cách cách thông minh và để lại ấn tượng sâu đậm trong ông.

Để có cuộc sống bình an và hút nhiều tài lộc, hãy tham khảo các vật phẩm phong thủy thủ công của Hòn Ngọc nhé!

Sau đó ông đã đem bài thơ của tiểu nữ Phú Sát gia viết về cho ba người con trai của mình xem, ông nói rằng: “ Bức thư pháp này được viết bởi một tiểu nữ mới lên chín tuổi. Nếu các con không chuyên tâm học hành và rèn luyện bản thân thì sẽ thua cả bậc nữ nhi tầm thường”.

Năm 1722, Ung Thân vương lên ngôi vua, lấy hiệu là Ung Chính. Vào năm Ung Chính thứ 5 âm lịch, Hoàng đế tấn phong Phú Sát thị làm Đích Phúc tấn của hoàng tử Hoằng Lịch.

Càn Long chỉ yêu một mình nàng

Sau khi vua Ung Chính băng hà. Hoàng tử Hoằng Lịch ngồi lên ngai vàng, lấy hiệu là Càn Long (乾隆 帝) – vị vua có thời gian trị vì lên đến 63 năm. Đích Phúc Tấn Phú Sát thị được tấn phong làm Hoàng hậu chánh cung ngay sau đó.

da sua 3da sua 3
Hoàng đế Càn Long. Nguồn: wikipedia

Càn Long và Hoàng hậu sống với nhau tương kính như tân, thập phần ân ái. Phu phụ như đôi tri kỉ thường cùng nhau ngâm thơ, vẽ tranh và chơi đàn. Phú Sát Hoàng hậu có thể nhẫn nại ngồi suốt đêm thâu để lắng nghe tâm tư tình cảm của Hoàng đế, làm một chỗ dựa tinh thần vững chắc cho phu quân, tận tâm giúp ông hoàn thành những tâm nguyện.

Càn Long thường cầu mưa cho những vùng hạn hán. Vì thế Phú Sát hoàng hậu luôn cạnh bên san sẻ, gánh vác cùng Hoàng đế cầu trời ban phúc. Sau khi trải qua hạn hán thì trời sẽ đổ mưa tuyết, đôi vợ chồng sẽ chia sẻ niềm vui với nhau.

Trong cuộc sống thường ngày, Hoàng hậu hết mực yêu thương chồng. Có một lần Càn Long lâm bệnh, nàng không rời giường mà ở cạnh dịu dàng, ân cần chăm sóc từng li tứng tí cho đến khi hoàng đế hoàn toàn bình phục.

Hoàng hậu sống một cuộc đời giản dị, thiện lành và giữ trọn lễ tiết truyền thống. Trong khi nhiều giai nhân chốn hậu cung chọn đeo các trang sức bằng đá quý, ngọc trai, cài trâm nạm vàng thì đương kim Hoàng hậu chỉ mang những loại trang sức hoa văn giản dị không có gì cầu kì xa hoa và vô cùng khiêm tốn.

da sua 2da sua 2
Hậu cung có 3000 giai nhân, nhưng Càn Long chỉ yêu một mình nàng. Nguồn ảnh: Visiontimes

Vào một mùa thu, vua Càn Long vô tình trò chuyện với Phú Sát rằng tổ tiên người Mãn Châu sử dụng da huơu da nai để làm ra áo quần vì không có tiền mua vải, khác xa với cuộc sống xa hoa ở hoàng cung. Sau khi trở về Bắc Kinh, nàng Phú Sát đã đích thân may một cái túi hầu bao làm bằng da hươu và tặng cho Hoàng đế. Càn Long rất cảm động khi thấy chiếc túi không may bằng vải, không thêu bằng chỉ vàng đắt tiền mà được làm bằng da hươu, dùng lông đuôi hươu làm chỉ. Chiếc túi tuy đơn giản nhưng rất bền đẹp, từ đó trở đi Hoàng đế Càn Long luôn mang túi theo bên mình. Nhìn thấy nó, ông sẽ liền nhớ lại thời tiên đế gây dựng sự nghiệp rất gian khổ, nhắc nhở ông không bao giờ quên cội nguồn tổ tông và cũng ngụ ý vợ chồng thương yêu tâm đầu ý hợp, đi đâu cũng có nhau.

Tương truyền rằng, hậu cung nhà Thanh có tới ba nghìn cung nữ, phi tần nhưng Càn Long chỉ yêu một mình nàng.

Vị Hoàng hậu hiền đức của triều đại Mãn Thanh

Lòng hiếu thuận với bậc sinh thành vốn là mỹ đức truyền thống của văn hoá Trung Hoa và rất được vua Càn Long coi trọng. Nàng Phú Sát thị đối đãi và hết lòng chăm sóc Hoàng Thái hậu Nữu Hỗ Lộc thị như mẹ ruột của nàng.

Hoàng hậu là người cai quản và đứng đầu hậu cung, nhưng nàng không dùng quyền lực, không dùng mưu kế hại người mà chỉ lấy đức phục người. Nàng nhã nhặn, chân thành và trên hết là đối xử công bằng với tất cả, vì thế các phi tần và cung nữ trên dưới đều hết lòng cảm phục, tuân thủ luật lệ và vui vẻ phục tùng . Chính nhờ sự mực thước của một bậc mẫu nghi thiên hạ mà cả hậu cung đều hết mực kính trọng và tin tưởng Hoàng hậu.

Phú Sát hoàng hậu là người đầu tiên chủ trì tổ chức đại lễ tưởng nhớ “nàng tiên Tằm”

Truyền thuyết kể rằng vợ của vua Hoàng đế là Luy Tổ(螺 祖), bà là người đầu tiên chỉ dạy cho phụ nữ Trung Quốc cách trồng dâu, nuôi tằm, làm nên tơ lụa. Với công lao to lớn ấy, bà được tôn xưng là “Luy Tổ thuỷ tằm” (嫘 祖 始 蠶)”. Từ thời nhà Chu, Luy Tổ được người dân thờ kính hết sức trang nghiêm vì đã truyền dạy cho nghề dệt lụa.

Ở hoàng cung, Phú Sát Hoàng hậu là người đầu tiên đứng ra tổ chức thực hiện những nghi lễ trang trọng để tỏ lòng thành kính đến bà tổ nghề dệt. Nàng hướng dẫn các phi tần, phúc tấn cúng bái “Luy Tổ thuỷ tằm” và hướng lên trời cầu phúc. Các nghệ nhân thời ấy đã phác hoạ buổi lễ bằng 4 bức tranh để ghi lại công lao của Hoàng hậu.

Lễ được thực hiện vào tháng 3 âm lịch hàng năm. Lụa là gấm vóc dệt được nhiều, nàng liền tỉ mẩn nhuộm vải rồi dệt áo cho vua mặc. Hoàng đế Càn Long rất thường mặc hoàng bào do nàng Phú Sát tự tay dệt khi thiết triều hay tham gia các nghi lễ thờ cúng.

Nỗi đau mất con

Phú Sát hoàng hậu có với Càn Long đế bốn người con. Nhưng cuộc đời trớ trêu, một công chúa và hai hoàng tử yểu mệnh nên qua đời khi còn nhỏ. Chịu nhiều đả kích lớn vì các con lần lượt ra đi, sự đau buồn của người mẹ mất con đã dày xéo trái tim Hoàng hậu một thời gian rất dài khiến thân tâm dần sinh bệnh.

Trong một lần chu du ở Sơn Đông cùng Càn Long, Hoàng hậu đứng trên thuyền rồng ngắm nhìn đàn cá bơi lội tung tăng trên sông, nàng nhắc tới một điển tích: “Người nào có phải là cá, đâu biết cá vui”?

Khi đó, nàng bên ngoài vẫn duy trì phong thái đoan trang nhã nhặn, hết lòng vì người khác mà đảm nhiệm trọn vẹn mọi việc, nhưng bên trong thân thể sức lực mệt mỏi, suy yếu. Trên đường trở về kinh, hoàng hậu mắc cảm phong hàn, bệnh tình lâm nặng, cuối cùng nàng đã bạo băng trong khi hồi loan bằng thuyền tại Đức Châu, hưởng dương 36 tuổi.

Hoàng đế Càn Long dành 51 năm để tưởng nhớ nàng

Hoàng đế Càn Long vô cùng đau đớn. Ông không cho phép bất cứ phi tần nào đến và ở lại cung Trường Xuân của cố hoàng hậu. Những vật dụng mà hoàng hậu đã từng sử dụng đều phải được giữ y nguyên hiện trạng sắp đặt, giữ như vậy hơn bốn mươi năm, hằng năm nhà vua đều tới ngắm nhìn kỷ vật để tưởng nhớ về hoàng hậu.

Càn Long và Hoàng hậu tình nghĩa phu thê sâu nặng, một phút chốc Càn Long không thể nào tìm ai thay thế vị trí của nàng trong trái tim mình. Và phải mất rất nhiều năm cũng như trải qua một thời gian dài, hoàng đế mới quyết định tìm hoàng hậu mới để cai quản chuyện hậu cung.

Ở tuổi 80, Hoàng đế Càn Long lại đến thăm mộ Hoàng hậu và nói rằng: “Mỗi mùa thu đến, ta không thể không khóc vì nhớ nàng. Ta nay đã già đi và cũng không còn tha thiết bách niên giai lão. Ta hạnh phúc và cũng an ủi được phần nào vì biết sẽ được gặp lại nàng trong vòng chưa đầy hai mươi năm nữa ”.

da sua 1 1da sua 1 1
Nguồn ảnh: Visiontimes

Vua Càn Long và Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu kết hôn 22 năm trước khi bà qua đời vì bạo bệnh. Nhưng Ngài đã dành trọn 51 năm còn lại của cuộc đời để mong nhớ về vị hiền thê đức hạnh.

Viên Minh biên dịch.
Nguồn: Vision Times

Xem thêm
Chia sẻ bài viết: