Blog
Vị hôn phu tương lai đột nhiên phát điên, các cô gái đã làm thế nào?
Có hai gia đình có hai người con gái đã đính hôn, tuy nhiên vị hôn phu tương lai của họ lại đột nhiên phát điên. Đối mặt với biến cố này, hai người con gái ấy tại sao không chọn hủy hôn và đi tái giá? Kết quả sẽ ra sau? Chúng ta cùng tìm hiểu về hai câu chuyện dưới đây.
Vào thời nhà Thanh, tỉnh Phúc Kiến có một vị công tử con nhà quyền quý tên là Hoàng Sinh, khoảng mười lăm, mười sáu tuổi, phong độ thanh thoát, dung mạo đẹp như viên ngọc. Thế nhưng anh đột nhiên mắc bệnh tâm thần, ca hát, khóc cười bất thường, còn ăn cả phân của mình, buổi tối tự phóng hỏa đốt phòng mình ở, gia đình không thể ngăn cản anh được. Vì vậy, họ đã dựng một vài túp lều trên núi và để Hoàng Sinh sống ở đó, phái thêm một vài người hầu khỏe mạnh để trông nom anh. Sau một thời gian dài, anh ngày càng gầy đi và hình dạng không còn giống người nữa.
Trước đó, Hoàng Sinh đã đính hôn với người con gái nhà họ Lâm, giờ anh như người điên, cha mẹ nhà họ Lâm muốn hủy hôn nhưng con gái không đồng ý và nói: “Con chưa kết hôn mà hôn phu tương lai đã gặp phải bệnh hiểm nghèo, định mệnh của con vậy là đã hiểu. Bây giờ con chỉ có thể trọn đời theo chồng, sẽ không thay đổi quyết định, thay vì chết già ở nhà và gây rắc rối cho cha mẹ, chi bằng con lên núi hoang sống với người chồng điên còn hơn, cũng để chăm sóc anh ấy và làm trọn đạo nghĩa vợ chồng”. Ban đầu cha mẹ cô không đồng ý, nhưng cô ngày càng trở nên kiên quyết, cuối cùng cha mẹ đành phải chấp nhận.
Cô sống cùng Hoành Sinh trong núi, chịu đựng đói rét và chăm sóc chu đáo cho anh. Một ngày, họ ngồi cùng nhau trên một tảng đá, đột nhiên thấy một con cá nhảy lên từ dòng suối, dài hơn hai thước, đầu cá giống như con chó. Chồng cô nhìn thấy và bắt nó ngay lập tức để ăn. Cô cố gắng ngăn lại nhưng anh không nghe và đã ăn hết con cá đó.
Nhận diện ngay các lỗi phong thủy nguy hiểm
đang tàn phá tài lộc, sức khỏe gia đình bạn
Sau một đêm, bệnh điên của anh đột nhiên biến mất, hai người xuống núi và trở về nhà tựa như chưa có việc gì xảy ra. Cha mẹ cô rất vui mừng và đón chào họ, sau đó bắt đầu tổ chức lễ cưới cho hai người.
Trong “Sơn Hải Kinh” có viết: “Chư hoài chi thuỷ đa quỳ ngư, thực chi dĩ cuồng” (nước sông Chư Hoài có nhiều cá quỳ, đầu chó thân cá, phát ra tiếng kêu giống trẻ em khóc, ai ăn vào sẽ chữa được bệnh điên). Có lẽ con cá mà Hoàng Sinh ăn chính là loại cá này? Hoặc có thể là vì cô gái đã hát bài “Phù Dĩ” làm xúc động thần linh thiên địa, điều này không phải là ngẫu nhiên.
(chú thích: “Phù Dĩ” là một bài hát trong thơ “Hàn thi”, được sử dụng để biểu đạt sự đồng cảm với những người mắc bệnh hiểm nghèo.)
Dưới đây là một câu chuyện khác xảy ra vào thời nhà Thanh. Có một gia đình nhà họ Đỗ, nhà chỉ còn hai mẹ con, cha đã qua đời, con trai nhà họ Đỗ đã sớm đính hôn với con gái nhà họ Phó, nhưng trước ngày cưới, con trai nhà họ Đỗ đột nhiên phát điên. Người mẹ nhà họ Phó cũng là góa phụ.
Người mẹ họ Đỗ cho rằng bệnh điên của con trai bà không thể chữa khỏi, vì vậy bà đến tìm người mẹ họ Phó và nói với bà: “Gia đình chúng tôi thật bất hạnh, con trai tôi bị bệnh này, cũng tựa như người tàn tật. Vì vậy, tôi không muốn làm phiền gia đình bà, trì hoãn thêm cũng không được ích gì, hãy để cho con gái bà được tái hôn. Nếu có người muốn cưới cô ấy, chúng tôi sẽ trả lại một nửa của hồi môn”.
Cô gái nhà họ Phó nghe thấy, đi ra gặp mẹ nhà họ Đỗ và cúi chào: “Vất vả cho mẹ rồi! Hiện tại con trai mẹ mắc bệnh, mẹ làm sao để sinh sống đây?”. Người mẹ họ Đỗ nói: “Nhà chúng tôi chỉ có vài mảnh đất, nhiều năm mất mùa, chỉ đủ ăn nửa năm. Khi lương thực cạn kiệt, ngày nào tôi cũng lo không có cái ăn.” Do vậy người mẹ họ Đỗ nói đi nói lại hy vọng cô sẽ tái hôn.
Cô gái nghiêm túc nói: “Con sẽ không làm điều gì sai trái. Con đã đính hôn, nếu hủy bỏ hôn ước, người ngoài không rõ nội tình, không biết họ sẽ nói những gì? Nếu vậy thì con thà chết còn hơn sống. Con sẽ theo mẹ về nhà, chúng ta sẽ nương tựa vào nhau. Lúc nhỏ con có học may vá, nếu nhà không đủ ăn, con có thể nhận việc may vá vào ban đêm, chí ít có thể sinh sống qua ngày. Hôm nay con sẵn sàng về nhà với mẹ, nếu không, khi con chết đi mọi người chỉ có thể tìm thấy con dưới Hoàng Tuyền lộ mà thôi (con đường dẫn xuống âm tào địa phủ).”
Cả hai người mẹ đều rất vui mừng khi nghe những lời mà cô ấy nói, mọi người ôm nhau khóc nức nở. Người mẹ họ Đỗ về nhà và gửi xe đến rước cô gái. Cô gái đi theo họ mà không cần thay quần áo, chỉ mặc áo xanh váy trắng nhưng lại rất xinh đẹp kiều diễm.
Trước khi cô gái đến, con trai nhà họ Đỗ đã thay quần áo xong và vui mừng nói với mẹ: “Cô dâu sắp đến rồi, mẹ ra đón nhé, con đã khỏi bệnh rồi.” Người mẹ ngạc nhiên hỏi: “Làm sao mà con biết được tân nương sắp đến? Con lại nói điều điên rồ à?”.
Anh ta nói: “Không! Lúc nãy khi con vừa mới nằm xuống, nhìn thấy sau giường có bốn hồn ma, đầu bù tóc rối, chúng nói với con: ‘Chúng tôi không có thù oán gì với anh, chỉ vì bị cha anh vu oan mà nhốt vào tù, sau đó bị hành hạ đến chết, vậy nên chúng tôi mới trả thù anh. Hôm nay thấy cô con gái nhà Phó có lòng ngay thẳng chính trực như vậy, chúng tôi vừa kính vừa sợ, không dám gây họa nữa.’ Sau đó, chúng biến mất, con giống như vừa tỉnh sau giấc mơ, bây giờ không còn bệnh nữa.”
Anh ấy vừa nói xong thì cô gái đến. Người mẹ họ Đỗ kể lại những điều kỳ lạ này cho mọi người nghe, tất cả đều không khỏi kinh ngạc. Người mẹ họ Phó nghe xong rất vui mừng và chọn ngày lành tháng tốt để hai người kết hôn.
Con gái nhà họ Phó là cháu gái của Trương Nghiễm Công, người cha nhà họ Đỗ lúc trước làm quan trong huyện. Trong tác phẩm “Sơn trai khách đàm”, tác giả Cảnh Tinh Tiêu có nói: “Người mẹ họ Đỗ ban đầu chỉ muốn thiện đãi với con gái nhà người ta, cuối cùng lại nhận được một nàng dâu tốt; con gái nhà họ Phó bằng lòng trở thành góa phụ, ai ngờ lại nhận được một người chồng. Chỉ cần lương thiện, trời xanh tự có an bài. Nhân quả báo ứng, ai nói thần quỷ không tồn tại chứ?”
Lan Chi biên dịch
Nguồn: epochtimes (Cổ Dung)