Vì khuyên vua Trụ sửa nết răn mình mà Khương hoàng hậu bị Đắc Kỷ bày mưu hại chết
“Nước sắp vong, ắt có yêu nghiệt”, đây là một câu nói xuất hiện lặp đi lặp lại nhiều lần trong “Phong Thần diễn nghĩa”. Thật ra, quốc gia dù có trong thời kỳ hưng thịnh, đôi lúc cũng sẽ có “yêu nghiệt”: chỉ là vào lúc giang sơn đứng trước nguy cơ diệt vong, nhất định sẽ có một lượng lớn “yêu nghiệt” xuất thế.
Vậy nên, câu nói “nước sắp vong, ắt có yêu nghiệt” này nếu nói một cách chính xác, thì là “quốc gia trước lúc diệt vong, yêu nghiệt hoành hành”.
Thật ra, khi ta tường tận nhìn thử thế giới trong “Phong Thần diễn nghĩa” thì sẽ rõ ràng. Hoàng hậu và phi tần chính phái đều bị bức hại chết thảm. Còn được sủng ái thì lại là hồ ly tinh hoặc là dã kê tinh, hoặc là ngọc thạch tỳ bà tinh.
Khương hoàng hậu khuyên vua Trụ sửa nết răn mình
Vì khuyên ngăn nhà vua mà Mai Bá bị đốt trước sân chầu, Trụ Vương đã cố ý làm cho triều thần khủng khiếp, không dám can gián vua nữa.
Nhưng sự thực, trước mặt Trụ Vương ai trông thấy cũng chán nản không muốn can gián làm gì. Người nào mặt cũng lầm lầm lì lì không nói. Họ không sợ chết, không dám can vua, nhưng vì họ thấy can cũng vô ích, thà từ quan lui về đồng ruộng còn hơn.Do đó chẳng ai nói một lời, cứ đưa mắt nhìn nhau thôi.
Vua Trụ không hề hiểu tâm trạng của triều thần lúc ấy, tưởng các quan ai cũng sợ cách hình phạt của mình, nên trong lòng lấy làm đắc ý. Vua truyền bãi chầu về cung, các quan lặng lẽ lui gót, chỉ còn lại các vị Vương nghẹn ngào trong đau đớn.
Còn Vua Trụ, sau khi đốt Mai Bá xong, hăm hở trở về cung Thọ Tiên, tuyền nội thị bày yến tiệc đãi Đắc Kỷ, tán thưởng tài năng của mỹ nhân.
Bấy giờ, tiếng tơ vọng trúc vang rền, bàn tiệc không thiếu gì món ngon vật lạ, Vua Trụ vừa ăn vừa xem Đắc Kỷ múa hát, tâm hồn như bay bỗng trên chín từng mây, không còn biết gì là khuya sớm nữa.
Cho đến lúc trống đã trở canh ba mà tiếng nhạc còn réo rắc vang một góc trời. Đêm ấy Khương hoàng hậu không ngủ được, nghe tiếng nhạc vang vầy, liền hỏi mấy cung nữ: “Trống đã trở canh ba, sao còn tiếng nhạc ở đâu náo nhiệt như thế?”
Cung nữ thưa: “Đó là tiếng đàn bên cung Thọ Tiên. Chúa thượng cùng Tô mỹ nhân vui chơi đó.”
Khương hoàng hậu than: “Lúc này ta có nghe tin hoàng thượng nghe lời Tô Đắc Kỷ chế hình Bào Lạc đốt Mai Bá giữa triều. Mai Bá là một tôi trung, phò vua đã ba đời, sao nỡ hành hình thảm thiết như vậy? Thế là hoàng thượng bị con khốn kiếp này khuynh đảo tinh thần, không còn phân định được phải trái nữa. Ta làm hoàng hậu chưởng quản tam cung lục viện lẽ đâu thấy việc trái mắt mà không nói tới.” Nói rồi truyền cung nữ đẩy xe, xách đèn đến cung Thọ Tiên.
Trụ Vương nghe báo có Khương hoàng hậu đến liền truyền Đắc Kỷ đàn ca múa hát để cho hoàng hậu xem. Đắc Kỷ tuân lệnh vua, vừa múa vừa ca, thân hình yểu điệu, xiêm y lả lướt chẳng khác gì Hằng Nga múa khúc Nghê Thường trên Nguyệt điện, tiếng hát lại thanh tao như tiếng chim đầu Xuân. Vua Trụ mê ly quên cả trời đất.
Còn Khương hoàng hậu mặt dàu dàu, ngồi nhìn xuống đất, không uống rượu, cũng không thưởng thức nhạc khúc của Đắc Kỷ đang trình diễn trước mắt.
Khương hoàng hậu cảm thấy trong lòng không vui nên dù có tiên xuống phàm múa hát cũng không làm khuây được. Khương hoàng hậu nói với Trụ Vương: “Đắc Kỷ múa hát có gì gọi là báu lạ đâu?”
Trụ Vương hỏi: “Như vậy thì thế nào mới gọi là báu lạ?”; Khương hoàng hậu nói: “Thần thiếp nghe nói hễ vua có đạo đức thì khinh của quí mà trọng đức lành, đuổi tôi gian, xa sắc dục. Đó mới chính là cái báu lạ của nhà vua.”
Trụ Vương cười ha hả, nói: “Trẫm làm vua, giàu sang bốn biển, muốn hưởng thú gì không có, dẫu trong trời đất, báu lạ nào Trẫm lại không có quyền hưởng đến?”
Khương hoàng hậu nói: “Trời chỉ có những báu lạ là mặt nhật, mặt nguyệt và các vì tinh tú. Đất chỉ có những báu lạ là năm thứ thóc, năm thứ giống trái. Nước chỉ có báu lạ là tôi ngay, tướng giỏi. Nhà chỉ có báu lạ là con cháu thảo hiền. Những báu lạ như vậy Bệ Hạ không tìm hưởng, lại chọn ca, lựa múa, nghe lời dua nịnh, giết tôi ngay, gần gũi sắc dục, đó không phải là báu lạ mà chính là thứ làm mất nước, xin Bệ Hạ bỏ đi dừng tiếc. Bớt rượu, xa tửu sắc, chăm lo chính sự, sửa nết răn mình, thì họa may trời xuống phúc, thiên hạ thái bình, bốn biển yên vui.”
Đắc Kỷ giận đỏ mặt khi vào chầu Khương hoàng hậu
Ngày mồng một, các cung phi đều phải vào chầu Hoàng Hậu theo lệ thường. Hoàng Quý Phi và Dương Quý Phi đến trước. Hoàng Hậu và hai Quý Phi đang ngồi tâm sự thì có cung nga vào báo: “Có Tô Đắc Kỷ đứng hầu ngoài cửa.”
Khương Hoàng Hậu cho vào. Đắc Kỷ khép nép vào đến nơi, thấy Khương Hoàng Hậu ngồi giữa, Hoàng Quý Phi và Dương Quý Phi ngồi hai bên vội sụp lạy ra mắt.
Khương Hoàng Hậu truyền cung phi đỡ dậy, Đắc Kỷ đứng hầu một bên trông rất là phải lễ.
Dương Quý Phi đến trước mặt hỏi: “Tô mỹ nhân là người này có phải không?”
Khương Hoàng Hậu đáp: “Phải. Nàng này chính là Tô Đắc Kỷ, con gái Tô Hầu ở Ký Châu.”
Dứt lời, Khương Hoàng Hậu quay trở lại quở Đắc Kỷ: “Thiên tử ở cung Thọ Tiên, ngày đêm đắm mê tửu sắc, phế việc triều đình, sao ngươi không có một lời can gián, cứ ngày đêm đàn ca múa hát, làm cho rối lòng thiên tử, đến nỗi thiên tử không tưởng đến việc phải quấy, nghe lời nịnh, giết tôi ngay, bỏ phép Thành Thang, làm suy mối nước. Những việc ấy là tại ngươi cả. Nếu ngươi không chừa thói cũ, chẳng tuân lệnh trên. Ta sẽ lấy phép công mà trị đó.”
Đắc Kỷ giận đỏ mặt, nhưng buộc thế phải làm thinh, cúi đầu không nói nửa lời.
Dùng Bí Trọng tạo mưu hãm hại Khương hoàng hậu
Đắc Kỷ đã dùng Bí Trọng bày mưu kế. Sau đó Trụ Vương truyền nổi trống đền để triệu tập các quan đến hầu cho đủ mặt.
Vua Trụ từ trong cung Thọ Tiên ngồi long xa đi ra, hai bên có tả hữu hộ giá. Khi đến Phấn Cung, đèn thắp sáng lòa, mùi hương ngào ngạt. Xẩy có một người cao lớn, ẩn mình trong xó, đầu bịt khăn ngang, tay cầm gươm báu, nhảy ra hét lớn: “Hôn quân đắm mê tửu sắc, ta vâng lệnh Hoàng Hậu đến giết hôn quân, đem sự nghiệp Thành Thang về cho chúa ta sửa trị.”
Nói rồi lướt tới đâm đùa. Các quan bảo giá liền cản lại giật gươm, bắt trói người ấy tức khắc. Đó chính là Khương Hoàn mà Bí Trọng sai khiến, khi bị tra tấn hỏi cung Bí Trọng tâu: “Thích khách họ Khương tên Hoàn là gia tướng của Đông Bá Hầu Khương Hoàng Sở. Nó vâng lệnh Khương Hoàng Hậu làm chuyện thí quân để Khương Hoàng Sở có dịp cướp ngôi. Nay Bệ Hạ phước lớn tày trời nên gian nhân mới bị bắt.”
Trụ Vương nghe tâu vỗ án hét như sấm: “Khương Hậu là người hôn phối của Trẫm mà làm điều phản nghịch như vậy thì còn đạo lý gì nữa. Nếu trong cung đã sinh tệ thì họa tới bên mình. Giặc bên ngoài còn đề phòng được chớ giặc trong thành làm sao giữ được? Trẫm giao việc này cho Tây Cung Hoàng Quí Phi tra hỏi Khương Hậu cho rõ ràng rồi tâu lại cho Trẫm biết.”
Bây giờ Khương Hậu đang ngồi trong cung, thẩy thấy quan Phụng Ngự cầm chiếu vua đem vào. Khương Hậu vội quỳ nghe đọc chiếu như sau:
Hoàng Hậu ví thiên tử như đất sánh với trời, làm mẹ chung cả thiên hạ, mà chẳng lo đức chánh cho tròn. Lẽ ra phải coi sóc việc trong cung, giữ gìn giềng mối, để tiếng tốt về sau. Thế mà lại nuôi trai mạnh là Khương Hoàn, khiến núp trong Phấn Cung đón đường giết Trẫm. May mà mạng Trẫm chưa tuyệt nên mới bắt được gian nhân. Sau tra trước đền, gian nhân thú nhận rằng Khương Hậu tư thông với cha là Khương Hoàng Sở toan cướp ngôi vua. Như thế đạo tam cương(*) không tròn. Trẫm đã truyền bắt Khương Hoàng Hậu giải đến Tây Cung, nhờ Thứ Phi tra hỏi. Vậy Thứ Phi cứ chiếu theo công luận chớ nên vị tình.
Khương Hoàng Hậu nghe đọc chiếu xong khóc rống lên, nói: “Ôi chao! Tại sao có việc lạ lùng? Ta xưa nay ở trong cung lo bề đức hạnh, tránh điều lỗi, sợ tiếng chẳng lành. Chẳng biết thằng giặc nào sanh sự, đổ tiếng xấu cho ta như vậy? Nay thiên tử không xét, lại giải đến Tây Cung, thân ta còn gì nhục nhã hơn. Mất còn không kể, chỉ uổng tiếng làm người không trọn nghĩa nhân.” Hoàng Hậu tuy khóc nức nở, song phải theo quan Phụng Ngự đến Tây Cung.
Vua Trụ vẫn không ngừng nghe lời Đắc Kỷ mà hãm hại Khương hoàng hậu để ép nhận chịu tội. Cuối cùng Khương Hậu khóc lóc nói với Hoàng Quý Phi: “Số phần chị đã như vậy thì liều một thác cho xong. Thôi em làm chứng cho lòng chị, chị đành nhắm mắt, cắt đứt dây oan nghiệt.”
Nói vừa dứt lời thì có quan Phụng ngự đem bàn ủi đến và truyền lệnh: “Vâng chỉ Bệ Hạ, nếu khương Hoàng Hậu không chịu tội thì đốt hết hai bàn tay.” Khương Hậu lòng sắc đá, chẳng thà chết chớ không chịu nhơ danh, liền đưa hai bàn tay ra hứng lấy cực hình. Quan Phụng ngự để hai bàn ủi nóng lên, thịt cháy xèo xèo, khét lẹt, mấy ngón tay cong quắp lại, các gân guốc cháy khô. Khương Hậu hét lên một tiếng rồi chết giấc.
Cái chết của Khương Hoàng hậu được lưu vào sử sách như một trong những tội ác kinh khủng nhất mà Trụ Vương và Đắc Kỷ đã gây ra.
Tại sao thiên hạ của Trụ Vương lại có vạn ma xuất thế đây? Dùng lời của Thánh nhân thì là: “Kẻ xấu và tà linh vốn cùng phường cùng hội với nhau”.
Khi yêu nghiệt hoành hành, người tốt phải chịu chèn ép, còn kẻ xấu trái lại thì được tự do. Yêu ma cưỡi lên đầu lên cổ người ta; chân lý đã không còn được con người nhận biết đến, còn những lời dối trá lừa gạt thì có mặt khắp hoàng triều.
Có câu nói rằng: Kẻ phóng túng dục vọng của mình thường chiêu dụ yêu ma đến. Trụ Vương vốn dĩ là một vị vua có điều kiện thiên phú rất tốt, nhưng lại vì dục vọng mà bị yêu ma mê hoặc, từng bước đi đến vực thẳm. Yêu ma không phải tự nhiên mà sinh ra, mà là bắt nguồn từ việc Trụ Vương phóng túng ma tính trong con người mình một cách vô độ, dung túng tâm sắc dục của mình, mạo phạm Thần linh, cuối cùng dẫn dụ yêu ma đến mê hoặc tâm trí, lãnh hậu họa diệt thân diệt quốc.
“Phong Thần Diễn Nghĩa” dùng quá trình mất đi bản tính của Trụ Vương để cảnh tỉnh người đời: con người một khi đã chìm đắm vào dục vọng thì sẽ bị dục vọng điều khiển, phía sau dục vọng luôn có sự tồn tại của tà yêu, chỉ là chúng không hiện nguyên hình trong không gian nhân thế của chúng ta mà thôi, chính vì con mắt phàm trần của con người không thể nhìn thấy, nên con người mới dễ dàng bị tà ma đứng phía sau mê hoặc.
Từ Thanh biên tập
Nguồn tham khảo: Tài liệu Phong Thần Diễn Nghiã của Hứa Trọng Lâm