Blog
Vì sao lại nói: Trái tim thiện lương của người mẹ là cách giáo dục tốt nhất cho con?
Người mẹ rất quan trọng trong việc giáo dục con cái, một người mẹ tốt còn hơn một người thầy tốt. Một người mẹ tốt không nhất thiết phải giàu có, cũng không nhất định phải tài cao học rộng mà chỉ cần là người yêu thương, chăm sóc gia đình nhỏ của mình. Sự tu dưỡng của mẹ mới là sự giáo dục tốt nhất dành cho con yêu.
Có câu nói “Đặt con vào dạ là mạ đi tu”, hàm ý nói rằng khi người mẹ được mang trọng trách lớn lao mang nặng đẻ đau. Đi tu ở đây không có nghĩa vào chùa xuống tóc, hay ở nhà tụng kinh niệm Phật, cũng không phải bắt buộc ăn chay, mà kỳ thực chính là trong nếp sống hàng ngày đều chú trọng đạo đức, tu sửa tâm tính. Quá trình ấy có lẽ không chỉ dừng lại ở 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau, mà kéo dài suốt cuộc đời.
Mẹ thay đổi sở thích của mình để dành cho con
Từ khi bắt đầu có con mọi sinh hoạt của mẹ đều thay đổi để giúp con khỏe mạnh. Mẹ đã dành hết sự quan tâm của bản thân mình để con lớn lên từng ngày. Mẹ không thích nghe nhạc cổ điển nhưng khi có con mẹ đã thay đổi quan niệm đó, món cafe hàng ngày mẹ rất thích uống nhưng bây giờ thì mẹ không uống vì nó có hại tới con.
Có thêm cả nhiều việc không tên nữa đã thực sự làm thay đổi cuộc sống của mẹ. Đúng là mẹ đã từ bỏ rất nhiều ham muốn của bản thân. Giờ đây, làm mọi việc mẹ không còn chỉ nghĩ đến cái tôi của mình. Thật ra, đó chính là một quá trình tu dưỡng.
Mẹ nuôi dưỡng trái tim nhân hậu cũng vì con
Mẹ hiểu rằng “chịu thiệt là Phúc”, mà Phúc này là để dành cho con. Nhờ thế mà tấm lòng mẹ rộng mở, giúp mẹ luôn vui vẻ an hòa, dù chuyện gì có xảy ra cũng không hề nóng giận từ trong tâm. Thực chẳng dễ dàng chút nào phải không?
Ai cũng biết người mẹ cần vui vẻ để tốt cho thai nhi, nhưng sự vui vẻ ở bề mặt thì không có tác dụng, mà sự nhân hậu trong sâu thẳm tâm hồn người mẹ mới là tốt nhất cho đứa con. Vì sao mà dù khó mẹ vẫn có thể làm được? Bởi vì con chính là nguồn sức mạnh để mẹ có thể vượt qua giới hạn của bản thân thực hành tu tập hàng ngày.
Ai đã từng đọc về thai giáo sẽ biết rằng có rất nhiều việc cụ thể người mẹ cần làm cho con như là nói chuyện với con, cho con nghe nhạc cổ điển… Đó chính là những món ăn tinh thần thật sự tốt cho em bé, và trên hết chúng giúp gắn chặt thêm mối liên hệ giữa mẹ và con, khiến cho đứa trẻ ngay từ trong bụng đã cảm nhận được những tín hiệu từ người mẹ của mình.
Tuy nhiên, ngay cả khi bạn không biết gì về thai giáo cũng như không có trong tay những dụng cụ cần thiết như đĩa nhạc và tai nghe, thì thực ra đứa trẻ hàng ngày vẫn ở trong bụng người mẹ và nhận mọi thứ tốt từ mẹ. Tấm lòng yêu thương và sự thiện lương của người mẹ đã ngấm ngầm thấm nhuần vào tâm hồn đứa trẻ, để nuôi dưỡng từ trong bụng một em bé với phẩm chất cao thượng vị tha.
Có lẽ quá trình mang thai mới chỉ là vạch xuất phát. Từ khi chào đời cho đến lúc lớn lên, em bé chịu nhiều ảnh hưởng của xã hội với muôn vàn điều tốt xấu. Thế nên, em càng cần biết bao một người mẹ không ngừng tu dưỡng bản thân để ở bên cạnh em và đặt cho em một nền móng làm người vững chắc.
Hành vi của mẹ chính là tấm gương cho con
Có một câu chuyện có thật về một người mẹ đã nghiêm túc tu dưỡng bản thân hàng ngày và kết quả mang đến vô cùng xúc động. Chuyện kể rằng em bé 4 tuổi, con trai của người mẹ đó, trong một lần leo lên ghế để với quả lê ở trên bàn đã bị ngã xuống đất và làm đổ đĩa cơm. Theo lẽ thường, các bà mẹ sẽ giận dữ và quát tháo đứa trẻ. Tuy nhiên trong tình huống này, người mẹ chỉ lẳng lặng ra đỡ con dậy và dọn sạch chỗ cơm vương vãi trên đất. Không những người mẹ không cảm thấy nóng giận mà trong lòng còn tự nhận đó là lỗi của mình vì đã không dọn bàn luôn sau khi ăn. Điều ấy tưởng như đơn giản nhưng thật ra là kết quả tu dưỡng liên tục trong một thời gian dài của người mẹ.
Một ngày sau khi sự việc xảy ra, cậu bé kia lại tiếp tục làm đổ một nửa bát canh khi đang ăn. Người mẹ đã nói ngay trong tích tắc không do dự: “Không sao cả. Con vẫn ổn chứ?”. Rồi cô ấy lấy khăn giấy dọn sạch chỗ canh đổ và chu đáo nói với con mình: “Lần sau con cần phải cẩn thận hơn”. Sự thiện lương của người mẹ đã tỏa ra thứ ánh sáng ấm áp khiến cả gia đình ở trong bầu không khí dễ chịu và yên vui. Còn người con thì từ đó trở đi rất hiếm khi làm đổ thứ gì.
Một hôm, người bố đứa trẻ không tìm được cái bấm móng tay đã cáu gắt và đổ lỗi cho vợ mình không để đúng nơi đúng chỗ. Khi chuẩn bị ra khỏi nhà để đi chơi với bọn trẻ con, anh gằn giọng với vợ mình: “Em hãy tìm cái bấm móng tay trước khi anh quay lại”. Bầu không khí thật sự căng thẳng. Lúc đó, người mẹ còn chưa kịp phản ứng gì, thì đứa trẻ 4 tuổi quay sang nói với bố: “Nếu sau khi chúng ta quay lại, mẹ vẫn chưa tìm thấy bấm móng tay, bố chỉ cần nói “Không sao cả!”. Quả thật, đứa con trai đã học được cách bao dung. Và kết quả cuối cùng đúng là “Không sao cả!”.
Thật ra, một người mẹ tốt chính là dùng “tâm an” để giáo dục con cái, biết quản lý tốt cảm xúc của chính mình trước mặt con thể hiện qua 3 chữ mẹ cần ghi nhớ:
Tĩnh
Nhiều bà mẹ nhạy cảm và thường hay phản ứng thái quá khi phát hiện những vấn đề của con. Họ thường chỉ trích, phàn nàn liên tục, nhiều lần về một lỗi sai của con, thậm chí còn phơi bày khuyết điểm của con trước mặt nhiều người, đơn giản vì lúc đó giận quá khó kiềm chế.
Trên thực tế, các bà mẹ không nên tỏ ra quá hoảng hốt, ngạc nhiên, tức giận khi nhìn thấy những khuyết điểm của con mình. Vì trẻ em cần người mẹ dùng những cảm xúc tốt đẹp để che chở và bảo vệ, ngay cả khi con phạm lỗi, có khuyết điểm, mẹ vẫn điềm tĩnh cùng con giải quyết chứ không bộc phát mãnh liệt quá mức ra bên ngoài.
Chỉ khi con cái thấy mẹ điềm tĩnh và đáng tin cậy, con cái mới có thể bình tĩnh đối diện, nhận ra sai lầm, khiếm khuyết của mình, hiểu được tấm lòng của mẹ mà có động lực phát triển. Người mẹ không ổn định về mặt tình cảm thì khó mà dạy con nên người, mẹ kiểm soát cảm xúc của mình là cách giáo dục tốt nhất cho con cái.
Đôi khi hãy tỏ ra ‘yếu’
Các bà mẹ phải học cách tỏ ra “yếu đuối” trước mặt con cái, đôi khi còn có thể nhờ con giúp đỡ việc gì đó. Những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi những người mẹ quá mạnh mẽ đôi khi sẽ mất tự tin trước sự quyết đoán, độc tài của mẹ. Người mẹ đôi khi phải yếu đuối trước mặt con, để con tự quyết định, tự làm và tự chấp nhận kết quả mà không ỷ lại vào mẹ.
Học cách tỏ ra yếu đuối trước mặt con chính là biết ủng hộ suy nghĩ của con, để con mạnh dạn bước ra thế giới bên ngoài. Một đứa trẻ bị mẹ chèn ép, đàn áp quá nhiều trong tư tưởng, cuộc sống thường có 2 trường hợp, hoặc sẽ chịu lép vế, không biết nói lên ý kiến riêng, không có năng lực phấn đấu, hoặc ở trường hợp ngược lại, trở thành đứa trẻ nổi loạn, phá phách để chống lại mẹ.
Tình yêu
Sức mạnh thực sự của một người mẹ nằm ở tình thương dành cho con cái và gia đình. Sự yêu thương, quan tâm, lòng bao dung của mẹ tạo nên mái ấm đúng nghĩa, tốt cho tuổi thơ và sự phát triển của con. Quy luật mẹ đặt ra cho con cái trong nhà là quy luật yêu thương và lời mẹ dạy dỗ về tình thương chính là định hướng cho con.
Ngược lại, một người mẹ hay cằn nhằn, la mắng sẽ khiến con cảm thấy gia đình không phải nơi hạnh phúc, mẹ không yêu thương con, con sẽ mất phương hướng. Tâm lý học cho biết: “Các vấn đề của trẻ em chủ yếu là các vấn đề về cảm xúc. Học kém cũng do cảm xúc tiêu cực gây ra. Sự lo lắng và nóng nảy của cha mẹ còn đáng sợ hơn việc điểm số kém của trẻ”.
Chỉ khi trẻ có trái tim được ủ ấp trong yêu thương, lớn lên trong cảm xúc an toàn, thoải mái, trẻ mới có thể tiếp thu tốt sự giáo dục gia đình, suy nghĩ thấu đáo và biết nhìn xa trông rộng, sáng suốt, khám phá, sáng tạo và trở thành người xuất chúng.
Là một người mẹ, hãy nhớ kiềm chế cảm xúc của chính mình, giữ tâm an tĩnh mới là cách giáo dục con đúng đắn nhất.
Tâm tính của người mẹ quyết định hòa khí gia đình
Bà Hồng Lan, tiến sĩ tâm lý học Đài Loan trong bài phát biểu của mình đã chỉ ra một nghiên cứu về não bộ và cho thấy, cảm xúc của phụ nữ vượt xa người đàn ông.
Do đó, người mẹ là linh hồn của gia đình, tâm trạng của người mẹ quyết định hòa thuận của một gia đình. Khi người mẹ hạnh phúc thì gia đình hạnh phúc, và ngược lại, khi người mẹ buồn bã, lo lắng, gia đình cũng sẽ bất an.
So với đàn ông, phụ nữ nhạy bén hơn trong việc thể hiện cảm xúc bên trong và biết cách sử dụng sức mạnh của ngôn ngữ, cũng như cảm xúc. Chỉ cần người phụ nữ nở nụ cười, thì các thành viên còn lại trong gia đình đều thấy thư thái, khoẻ mạnh.
Mỗi đứa trẻ là một tờ giấy trắng. Bạn muốn đứa tɾẻ trở thành người như thế nào sẽ thành như thế đó. Ảnh hưởng của người mẹ lên đứa con là không thể thay thế. Nếu người mẹ không thể kiểm soát cảm xúc của mình tốt, thì đứa trẻ có thể bị mất cân bằng cảm xúc khi lớn lên.
Chính vì thế, phụ nữ hãy học cách kiểm soát cảm xúc của mình, hít một hơi thật sâu trước những cơn tức giận, đối mặt với những người thân yêu bằng một nụ cười, bằng câu nói yêu thương nhiều hơn.
Ở nhà họ Trường (Hợp Phì), mẹ của 4 cô con gái thành ᴄông vốn là một người rất giỏi kiểm soát cảm xúc. Kể từ khi lấy chồng, bà chưa bao giờ giận dữ với chồng, bà luôn quan tâm đến mẹ chồng và dùng cảm xúc mềm dẻo, ấm áp để đối xử với các con.
Chᴜyên gia Hồng Lan từng nói: “Khi bạn giáo dục một cậu con tɾai, đơn thuần bạn dạy dỗ một cậu con trai. Nhưng bạn giáo dục một cô gái, là bạn đang giáo dục cả một gia đình”. Qua đó thấy rằng, ảnh hưởng của người phụ nữ trong gia đình là vô cùng lớn.
Lan Hòa tổng hợp