Vì sao người xưa dám khẳng định danh tướng Vi Cao là Gia cát Lượng chuyển sinh?
Lạc Sơn Đại Phật là bức tượng Phật Di Lặc bằng đá lớn nhất thế giới. Di Lặc là vị Phật được Đức Thích Ca Mâu Ni tiên đoán sẽ đản sinh, độ nhân trong tương lai. Tuy nhiên, việc xây dựng Lạc Sơn Đại Phật đã gặp phải những thất bại và từng bị đình chỉ trong 40 năm. Cho đến khi Gia Cát Lượng đầu thai, ông mới dùng lương bổng của mình để hoàn thành công việc xây dựng.
Trong lần đó, Gia Cát Khổng Minh tái sinh với thân phận Vi Cao – một danh tướng vào giữa triều đại nhà Đường. Tại sao, người ta dám khẳng định vậy? Kỳ thực, điều này không phải là không có căn cứ.
Tiết lộ chấn động từ vị khách không mời
Kinh Triệu là một trong những gia đình quý tộc giàu có, địa vị quan trọng nhất trong triều đại nhà Đường với 20 vị tể tướng. Theo ghi chép của Trương Du người đời Đường trong “Tuyên Thất Chí”, vào năm Thiên Bảo thứ tư (năm 745) thời đại Đường Huyền Tông, gia tộc Kinh Triệu chào đón một cậu bé tên là Vi Cao.
Khi Vi Cao đầy tháng, cha của cậu đã mở tiệc cúng dường trai tăng để cầu nguyện cho con trai của mình. Trong bữa tiệc này, một vị khách lạ đã đến một cách bất ngờ. Ông là một nhà sư Ấn Độ, tướng mạo dữ dằn và xấu xí. Vị hoà thượng này khoác trên mình chiếc áo cà sa cũ kỹ; đi đôi giày da đã hỏng và cầm trên tay một cây gậy sắt.
Những người có mặt đều không ai biết ông ta là ai. Người hầu trong nhà vừa ghê tởm, vừa sợ hãi bèn lấy một chiếc chiếu hỏng cho ông ngồi trong sân ăn cơm; mong là sau khi ăn, ông ta sẽ nhanh chóng rời đi.
Sau bữa cơm, người nhũ mẫu bế Vi Cao ra ngoài để các nhà sư chúc phúc lành cho đứa bé. Hòa thượng xấu xí lúc này từ chỗ ngồi đứng lên trước, chỉnh lý y phục, đi lên bậc thang chào hỏi thân mật:
-“Đã lâu không gặp, cậu vẫn khoẻ chứ?”
Khuôn mặt đứa bé lộ rõ vẻ mừng rỡ, mọi người đều hết sức kinh ngạc. Cha của Vi Cao thấy kỳ lạ bèn nói:“Đứa bé này mới sinh được một tháng, vì sao sư phụ lại nói cách biệt đã lâu?”
Vị hoà thượng trả lời: “Đây không phải điều mà thí chủ có thể biết được. Đứa trẻ này là Gia Cát Vũ Hầu chuyển thế. Vũ Hầu là thừa tướng nước Thục, người Thục đã nhận rất nhiều ân huệ từ ông ấy. Hôm nay, ông ấy lại chuyển sinh xuống thế gian, tương lai sẽ làm thống soái đất Thục; hơn nữa còn được người Thục chúc phúc. Ta trước đây ở Kiếm Môn, nay nghe ông ấy chuyển sinh vào Vi gia, nên ta mới lặn lội đường xa tới”.
Cha của Vi Cao nghe vậy liền lấy chữ Vũ Hầu là tên tự cho Vi Cao. Ở tuổi thanh niên, Vi cao đã giữ ấn soái quân đội Kiếm Nam, làm quan đến chức thái uý kiêm trung thư lệnh. Ông nhậm chức ở đất Thục 18 năm, đúng như lời vị tăng nhân đã nói.
Vi Cao tuổi trẻ tài cao, văn võ song toàn
Lớn lên, Vi Cao tài năng xuất chúng. Ông có vẻ ngoài cao lớn nghiêm trang, lại có xuất thân tốt nên vừa mới 20 tuổi đã được ra làm quan. Vi Cao liên tục được thăng chức và giữ đến chức thái uý tiết độ sứ Kiếm Nam.
Bẩm sinh Vi Cao đã tín Thần Phật. Khi ở Trường An, ông có quan hệ gần gũi với pháp sư Thanh Lương Trừng Quán – vị tổ sư thứ tư của Hoa Nghiêm tông, người được cho là hóa thân của Bồ Tát Hoa Nghiêm.
Dưới triều đại nhà Đường, vua Đường Đức Tông Lý Quát, Vi Cao được tiến cử làm phán quan thành Phụng Tường (nay là Bảo Kê, Thiểm Tây) và bắt đầu binh nghiệp lừng lẫy của mình.
Vào năm Vi Cao 38 tuổi, binh biến nổ ra ở Kinh Châu và Nguyên Châu. Quân nổi dậy chiếm được kinh đô Trường An, vua Đường Đức Tông chạy trốn đến Phụng Thiên (nay là huyện Kim Xiểm, tỉnh Thiểm Tây).
Khi Đường Đức Tông cảm thấy Phụng Thiên không an toàn nên muốn trốn đến Phụng Tường một lần nữa. Nhưng ông không nghĩ rằng Phụng Tường cũng có quân phản loạn, và tiết độ sứ Trương Dật đã bị chúng giết. Đức Tông sợ hãi đến mức ông ấy cảm thấy rằng một thảm họa sắp xảy ra và ông không thể làm gì được.
Vào lúc tưởng như đã tuyệt vọng, Vi Cao đã gửi một tin tốt từ Phụng Tường. Hóa ra, Vi Cao bị quân phản loạn mua chuộc, chúng hứa sau khi đảo chính sẽ cho ông làm quan lớn. Vi Cao giả vờ phục tùng, sau đó lên kế hoạch bắt giết từng tên phản loạn, rồi đưa chúng ra xét xử. Khi nhận được tin, vua Đường Đức Tông vui mừng khôn xiết.
Vì binh lính không còn nhiều, Vi cao cử người đến Thổ Phồn cầu viện và nhận được sự giúp đỡ. Cuộc nổi dậy cuối cùng đã bị dập tắt. Đường Đức Tông trở lại Trường An, tự xét lại bản thân mình để làm một minh quân. Còn công thần Vi Cao được thăng làm Vũ vệ tướng quân, sau lên chức Đại tướng quân. Một năm sau, khi Vi Cao 40 tuổi, ông được bổ nhiệm làm Toạ trấn Tứ Xuyên. Ông dùng cả đời mình phục vụ quân chủ và duy hộ Phật Pháp.
Người xưa tin rằng, con người không sống một đời mà luân hồi chuyển thế trong vô lượng kiếp. Chúng ta cần phải tái sinh để cân bằng nghiệp báo hoặc hoàn thành sứ mệnh kiếp trước còn dang dở. Điển cố Gia Cát Lượng chuyển sinh làm danh tướng Vi Cao trong triều đại nhà Đường là một ví dụ chân thực.
Minh Nguyệt biên dịch
Nguồn: soundofhope (Cổ Phong)