Vì sao người xưa dạy con nhận phần thiệt, sống biết nghĩ cho người khác?

new-project-2022-12-02t164826962

Đối với các con mà nói, bố mẹ chính là người thầy đầu tiên của chúng. Tất nhiên, việc giáo dục của thầy cô giáo ở nhà trường là rất quan trọng, nhưng giáo dục trong gia đình đóng vai trò then chốt đối với sự trưởng thành của trẻ em.

Nuôi con ngoan, dạy con giỏi chính là biết cách dạy con đạo lý làm người, nuôi dưỡng thiện tâm. Có như vậy, con cái sẽ biết bao dung với lỗi lầm của người khác, cũng như biết sẻ chia với người khác khó khăn.

Chỉ khi một người biết cân nhắc đến người khác thì mới có thể nuôi dưỡng lòng vị tha, mới có thể được những người xung quanh yêu mến, đạt được thành công trong cuộc sống. Đồng thời, trong quá trình sống vì người khác, bạn mới có thể cảm nhận được hạnh phúc trong cuộc sống.

Dưới đây là 3 câu chuyện dạy con biết nghĩ cho người khác đáng để chúng ta suy ngẫm và học hỏi.

Dạy con nhận phần thiệt về bản thân

Nhờ dạy con biết nghĩ cho người khác ngay từ khi còn rất nhỏ mà bà Sara Imas, một bà mẹ người Do Thái nổi tiếng đã đào tạo nên 3 tỷ phú. Bà cũng là tác giả cuốn sách “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương”. 3 người con của bà đều tốt nghiệp đại học và trở thành người giàu có ngay từ khi còn rất trẻ.

Bà Sara từng chia sẻ bí quyết dạy con của mình trong cuốn sách như sau: “Mỗi lần dẫn các con đi mua hoa quả, tôi lại yêu cầu mỗi đứa chọn một quả lê có chút vấn đề nhỏ nào đó nhưng vẫn có thể ăn được trong ngày”.

Bởi vì tất cả các quả lê đều có giá trị như nhau, điều này khiến mấy đứa con của bà cảm thấy vô cùng khó hiểu, nhưng bà Sara lại không giải thích với chúng ngay lập tức. Đến tối, khi gọt hoa quả để ăn tráng miệng, bà mới giải thích cho các con.

Bà nói: “Trước tiên, chúng ta phải biết nghĩ cho người khác, nếu như ai cũng chọn quả ngon, quả đẹp thì những quả còn lại sẽ để ai ăn? Chúng ta giúp đỡ người khác một chút có phải tốt hơn không? Chúng ta mua giúp người bán hàng 3 quả lê không đẹp mắt, người khác cũng giúp họ mua vài quả giống thế, như vậy chẳng phải những quả lê xấu xí sẽ ít đi sao?”

Người mẹ Do Thái nói, những quả lê kia không phải là không ăn được nữa, chúng chỉ có chút vấn đề nhỏ thôi, ăn vào cũng chẳng thể ảnh hưởng tới sức khỏe. Bà dặn dò các con: “… Mẹ mong rằng từ chuyện quả lê nhỏ bé này, các con có thể học được cách chia sẻ và giúp đỡ người khác”.

Sau đó, cô con gái út liền hỏi lại bà: “Tại sao vậy? Tại sao con lại phải ăn những quả xấu xí này? Tại sao không cho con ăn những quả ngon hơn?”.

Thấy vậy, Sara Imas trả lời: “Khi còn ở trên cây, những quả lê này đều tươi ngon và không có vấn đề gì, nhưng khi người nông dân hái xuống và cho vào giỏ, chúng va vào nhau nên mới có những vết xước dập. Cuộc đời con người cũng vậy, sau này khi bước vào xã hội, các con sẽ phải va chạm với rất nhiều vấn đề, khi đó các con cũng sẽ hy vọng có người thấu hiểu và đồng cảm với mình, giống như hôm nay các con đồng cảm với những quả lê này vậy”.

Vương Dương Minh, là một trong những nhà triết học vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc. Trong cuộc sống thường nhật, tất cả công phu tâm huyết của ông đều dồn hết cả vào việc học tập cũng như giáo dục con cháu đời sau.

Trở thành một người tốt quan trọng hơn bất cứ điều gì

Cổ nhân có câu: “Đạo đức gia truyền, thì gia tộc hưng thịnh trên 10 đời. Lấy việc đọc sách làm báu vật gia truyền thì đứng thứ hai. Lấy giàu sang phú quý làm báu vật truyền gia thì không quá 3 đời”.

Vương Dương Minh đã từng bị Lưu Cẩn truy đuổi và bị dân làng Long Trường công kích. Dù đối diện với nguy hiểm nhưng ông không làm gì trái với đạo nghĩa, vẫn một lòng tin vào sức mạnh của thiện lương. Ông đã dùng đức để báo oán, giúp dân làng xây nhà, đọc sách và làm ruộng.

Trong thư Vương Dương Minh viết cho con mình, ông nói: “Phàm làm người, quan trọng chính là tâm địa”.

Trở thành một người tốt quan trọng hơn bất cứ điều gì khác. Cũng giống như quả trên cây, lương tâm của con người là cái cuống, nếu thay cái cuống thì quả tất nhiên quả sẽ rụng.

Người tử tế, thiện lương luôn là người biết yêu thương người khác, là người có nhiều thiện duyên, những người sống như vậy thì đương nhiên có nhiều người yêu mến.

Người có trái tim lương thiện sẽ không bao giờ làm tổn thương người khác, bởi vậy mà tự nhiên sẽ tránh được nhiều việc hung dữ.

Sống thiện lương là một loại trí huệ, người thông minh chưa chắc đã là người thiện lương, nhưng người thiện lương ắt là người thông minh nhất.

Dạy con biết làm việc nghĩa

Thời Phạm Trọng Yêm còn làm quan ở Tuy Dương, một lần ông sai con trai Phạm Thuần Nhân đến Tô Châu để vận chuyển thuyền lúa. Lúc ấy Phạm Thuần Nhân còn rất trẻ, khi vận chuyển thuyền lúa về đến Đan Dương thì gặp người bạn cũ tên là Thạch Mạn Khanh. Phạm Thuần Nhân hỏi bạn mình: “Tại sao bạn lại lưu ở đây lâu như vậy?”

Thạch Mạn Khanh đáp: “Nhà đang có tang nhưng mình lại không có tiền để đưa linh cữu về quê nhà”.

Phạm Thuần Chân nghe xong, liền cho Thạch Mạn Khanh cả thuyền lúa để bạn có tiền đưa linh cữu về quê.

Phạm Thuần Nhân trở về nhà, không biết thưa chuyện với cha thế nào nên đứng mãi bên cạnh Phạm Trọng Yêm thật lâu không nói gì.

Phạm Trọng Yêm thấy vậy liền hỏi con: “Con lần này đến Tô Châu, con có gặp người bạn nào không?”

Phạm Thuần Nhân trả lời: “Khi đi ngang qua Đan Dương, con tình cờ gặp Thạch Mạn Khanh. Cậu ấy đang có tang người thân nhưng không có tiền để đưa linh cữu về quê, nên đã bị mắc lại ở đó”.

Phạm Trọng Yêm liền nói với con: “Vậy sao con không lấy hết thuyền lúa tặng cho cậu ấy?”

Phạm Thuần Nhân nghe thấy cha nói vậy, trong lòng cảm thấy mừng rỡ, trả lời: “Thưa cha! Con đã tặng cả thuyền lúa cho cậu ấy rồi”.

Phạm Trọng Yêm nghe con trai nói xong thì tỏ ra vô cùng vui vẻ, khen con làm vậy là rất đúng. Từ sau sự việc đó, người đời đều hiểu rằng, gia phong của Phạm Trọng Yêm đã được truyền cấp thành công cho con trai ông rồi.

Họa phúc do Trời định đoạt, thiện ác do người nắm giữ. Trời có khi mưa khi gió, thiên tai nhân hoạ biến đổi khôn lường, người cũng sẽ có lúc gặp họa phúc bất kể ngày đêm. Đây đều là những việc con người không thể khống chế mà chỉ có thể thuận theo Thiên mệnh.

Tuy nhiên, nếu một người siêng năng làm việc thiện giúp người, bao dung và nghĩ cho người khác thì sẽ đắc được phúc báo, được Thần Phật che chở mỗi khi gặp tai ương.

Người xưa từng nói: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”, Thiên lý vốn rất rõ ràng sáng tỏ nhưng vẫn có rất nhiều người còn nghi nghi hoặc hoặc. Có người oán hận rằng người tốt sao chẳng sống lâu, kẻ gây họa sao vẫn còn thọ cả trăm năm? Người hiền thì bị kẻ khác bắt nạt, ngựa lành thì bị người cưỡi – Đó chẳng qua chỉ là phúc đời trước chưa hưởng hết, mà họa đời sau lại chưa tới; hoặc nợ đời trước chưa trả xong, mà phúc báo đời này còn chưa đến.

Giúp người cũng chính là giúp mình. Dù xảy ra chuyện gì, chúng ta vẫn nên kiên trì giữ tâm thiện lương, ôm giữ thiện niệm, làm nhiều việc tốt, biết suy nghĩ cho người khác. Như vậy tâm mới an lành, mâu thuẫn và oán khí mới bớt dần, cuộc sống nhờ vậy mà ngày một vui vẻ, thuận lợi và hạnh phúc hơn mỗi ngày.

Lan Hòa biên tập
Nguồn: Tống hợp

Xem thêm
Chia sẻ bài viết: