Vì sao Thuận Trị thẳng tay phế bỏ Hoàng hậu danh giá nhất của triều Thanh?
Thời Thuận Trị, phát sinh một chuyện đại sự “Thuận Trị phế hậu” , gây chấn động triều dã. Hôn nhân của hoàng đế Thuận Trị bắt đầu từ sau khi ông trực tiếp tiếp quản triều chính.
Hoàng đế Thuận Trị lên ngôi khi mới 6 tuổi, dưới sự nhiếp chính của chú ruột là Đa Nhĩ Cổn.
Năm Thuận Trị thứ 8 (1651), ngày 17 tháng 1 (âm lịch), Bác Nhĩ Tế Cát Đặc thị nhập cung cử hành đại hôn với Thuận Trị Đế. Đại hôn của bà và Thuận Trị Đế vốn được sắp đặt từ lâu bởi Nhiếp Chính vương Đa Nhĩ Cổn, người có thực quyền vào thời kì đầu của Thuận Trị, và đã mất trước khi đại hôn lễ được chính thức cử hành.
Bác Nhĩ Tế Cát Đặc thị có họ rất phổ biến của người Mông Cổ, bà xuất thân từ nhóm gia tộc thống lĩnh của bộ tộc Khoa Nhĩ Thấm.
Tổ phụ của Phế hậu là Trung thân vương Trại Tang, thân phụ của Hiếu Trang Hoàng thái hậu, mẹ sinh của Thuận Trị Đế. Theo vai vế gia tộc, Phế hậu là cháu gọi Hiếu Trang Thái hậu bằng cô, do vậy là biểu tỷ của Thuận Trị Đế.
Ngày 13 tháng 8 (tức ngày 27 tháng 9 dương lịch) cùng năm, Thuận Trị Đế tuyên bố đại hôn, tuyên cử hành đại điển sách lập Hoàng hậu.
Ngày hôm đó, Hoàng đế mặc Triều phục, dùng đoàn Lễ bộ nghi giá đến Thái Hòa điện ngự tọa. Bên dưới quan viên, từ Nội viện quan đến quan viên các bộ, mặc Triều phục, khiển 2 Thân vương đến hầu Hoàng thái hậu ngự giá đến Thái Hòa điện. Hoàng đế đích thân xuất cung, đến bên trong Thái Hòa môn, nghênh đón Hoàng thái hậu nhập cung.
Khoảng ngày 15 tháng 8 (âm lịch), Thuận Trị Đế ngự lên Thái Hòa điện, trước mặt chư Vương, Bối lặc cùng văn võ bá quan mà ra chỉ chiếu cáo thiên hạ. Là lễ chiếu cáo thiên hạ sách lập Hoàng hậu đầu tiên trong toàn bộ lịch sử triều Thanh…
Theo lịch sử Hoàng gia nhà Thanh, bà là vị Hoàng hậu đầu tiên được phong sau khi nhập quan và cũng là người đầu tiên được hưởng quy chế lễ đại hôn khi thành thân với Hoàng đế, tức được kiệu đưa vào cung qua Đại Thanh môn.
Bà cũng là một trong những Hoàng hậu có xuất thân cao nhất của triều đại này. Vì các Hoàng đế nhà Thanh về sau đa phần nối ngôi khi trưởng thành, từ lâu đã có Phúc tấn, vì vậy những Hoàng hậu từ đại hôn như bà cũng không nhiều.
Nếu đúng như thế thì đây là hôn ước quý tộc, đáng ra là chuyện đáng mừng nhưng tại sao hoàng đế Thuận Trị lại không thấy hài lòng về người vợ của mình và đã tìm cách phế bà trong thời gian rất ngắn (3 năm). Điều tra theo những ghi chép trong lịch sử, hóa ra, vị hoàng hậu này có rất nhiều nhược điểm lớn.
Cũng theo ghi chép trong Thanh sử cảo và giãi bày của chính Thuận Trị Đế về bà, Hoàng hậu Bác Nhĩ Tế Cẩm thị từ khi nhập cung cực kỳ chú trọng việc chưng diện và ăn uống, tất cả các trang phục đều phải được trang trí bằng trân châu đá quý; dụng cụ phục vụ ăn uống cho bà đều phải làm bằng vàng bạc quý hiếm.
Thuận Trị Đế từ nhỏ đã rất sùng đạo quen thanh đạm giản dị, thấy Hoàng hậu tiêu xài hoang phí nên cảm thấy không hợp. Ngoài ra, do được nuông chiều từ bé, nên tính cách Hoàng hậu vô cùng bướng bỉnh, ương ngạnh. Vốn không sủng ái Hoàng hậu, Thuận Trị Đế càng nảy sinh ý định phế hậu.
Thứ hai, bà là người tâm địa hẹp hỏi, ích kỉ và tính đố kỵ quá lớn. Chỉ cần mỗi lần nhìn thấy ai xinh đẹp hơn mình thì tức tối điên cuồng. Điều này sẽ rất nguy hiểm cho hậu cung vốn đã đầy phức tạp. Là hoàng đế, đương nhiên có rất nhiều hậu phi, nên các hậu phi cần phải giữ thái độ đúng mực nếu không hậu cung sẽ loạn.
Thân là hoàng hậu mẫu nghi thiên hạ, là chủ của hậu cung đã không có được tấm lòng đại lượng, bao dung vị tha mà lại còn đố kỵ, ích kỷ thì hậu cung càng loạn. Điều này khiến hoàng đế Thuận Trị càng cảm thấy chán nản.
Tuy vậy, nguyên do bất hòa giữa Thuận Trị Đế và Hoàng hậu có lẽ không đơn giản chỉ vì tính tình và lối cư xử của bà, mà còn do bà được Nhiếp Chính vương Đa Nhĩ Cổn chống lưng.
Đa Nhĩ Cổn là con trai thứ 14 của Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích, em cùng cha khác mẹ với Thanh Thái Tông Hoàng Thái Cực, và chú ruột của Thuận Trị.
Cuộc hôn nhân này từ đầu đến cuối ông đều không đồng ý mà chủ yếu là do sức ép từ thúc phụ Đa Nhĩ Cổn, đồng thời cũng là người thao túng triều chính. Chính vì thế nên cứ nghĩ đến hoàng hậu có xuất thân cao quý, Thuận Trị càng cảm thấy chán ghét.
Đối với Thuận Trị Đế, Đa Nhĩ Cổn vừa là ân nhân vừa là mối nguy hiểm. Chính ân-oán xen lẫn này đã tạo nút thắt khó gỡ trong thâm tâm vị Hoàng đế trẻ tuổi, và có lẽ ông dồn hết mọi bức xúc ấy lên Hoàng hậu Bác Nhĩ Tế Cẩm thị – người được Đa Nhĩ Cổn chỉ định.
Năm Thuận Trị thứ 10 (1653), ngày 24 tháng 8 (âm lịch), Thuận Trị Đế tập hợp hội đồng, tuyên bố phế bỏ Hoàng hậu Bác Nhĩ Tế Cẩm thị.
Ngày 26 tháng 8, Thuận Trị Đế dụ Lễ bộ, soạn thánh chỉ giáng vị Hoàng hậu Bác Nhĩ Tế Cẩm thị xuống làm Phi. Toàn bộ Lễ bộ quan viên dâng sớ phản đối, lấy lý do năm đó Hoàng hậu từng cáo Tế thiên, đảm nhận Chính vị, đột ngột phế truất hoàn toàn không phù hợp trình tự.
14 đại quan yêu cầu Hoàng đế thu hồi ý chỉ phế truất Hoàng hậu. Thuận Trị Hoàng đế giận tím mặt, trách cứ bọn họ “suy đoán Thánh tâm”, “mua danh chuộc tiếng” mà quyết định trừng trị toàn bộ.
Vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các vương công bách quan nhưng hoàng đế Thuận Trị không hề nao núng chùn bước. Ông vẫn cương quyết không thay đổi quyết định của mình.
Thuận Trị đạt đuợc mục đích của mình vội vàng ra thánh chỉ, phế truất hoàng hậu Bác Nhĩ Tề Cát Đặc Thị, giáng xuống làm Tĩnh phi. Tĩnh phi sau này không chịu nổi đã quay trở về thảo nguyên bao la nơi quê hương Mông Cổ và không bao giờ quay về hậu cung nữa.
Thuận Trị lên ngôi khi mới 6 tuổi, đến năm 14 tuổi được quyền quyết định triều chính và cũng năm đó lập Hoàng hậu, nhưng chỉ sau 3 năm ngắn ngủi, Thuận Trị đã kiên quyết phế hậu, đó cũng được coi là lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử của triều đại nhà Thanh bị Hoàng đế ra chỉ dụ phế Hậu khi đang còn tại vị.
Nguyệt Hòa tổng hợp
Theo wiki/kienthuc