Vì sao Trần Thủ Độ “ép duyên” Trần Thái Tông lấy Thuận Thiên công chúa, đã vượt khỏi giá trị luân lý thời đó?
Cuộc “đảo chính” cung đình êm ả và hữu hiệu vào cuối năm 1225 đầu 1226 đã chấm dứt 215 năm trị vì của vương triều Lý để chuyển ngôi vị sang một triều đại mới do dòng họ Trần nắm giữ.
Đạo diễn và thực hiện cuộc đảo chính này là một người họ Trần đang tham gia chính quyền Lý: Điện tiền Chỉ huy sứ Trần Thủ Độ (1194 – 1264). Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Thái Tông lấy được thiên hạ đều là mưu và là sức của Thủ Độ cả, cho nên Quốc gia phải như vậy, quyền hơn cả vua” và vì vậy “quy hoạch việc nước đều do Thủ Độ làm”.
Về vai trò của Trần Thủ Độ trong lịch sử, nhiều sử gia đã đề cập đến, song bài viết này chỉ bàn về việc Trần Thủ Độ buộc vua Trần Thái Tông lấy Thuận Thiên Công chúa (đang là chị dâu của vua), mà không phải là người khác.
Giành ngôi từ triều Lý, rút kinh nghiệm từ triều Lý để mất quyền lực vào tay họ ngoại và để bảo vệ triệt để quyền lợi gia tộc, nhà Trần đã cho thực hiện chế độ hôn nhân nội tộc: Các tôn thất Trần chỉ kết hôn với nhau tuyệt đối không kết hôn với các dòng họ khác, đặc biệt Hoàng hậu chỉ có thể là người của họ Trần mà thôi.
Không rõ ở đây Trần Thủ Độ với vai trò tổ chức dòng họ và với quyền lực thực tế trong tay có phải là người đề xuất chế độ hôn nhân đồng tộc này hay không, hay đó là tập tục còn sót lại của những người dân chài vùng sông nước.
Tuy nhiên, ta cũng có thể khẳng định ông là người đã cổ vũ và triệt để lợi dụng chế độ hôn nhân này để bảo vệ, củng cố ngai vàng của họ Trần. Và ông đã thực hiện chủ trương đó bằng việc lấy Trần Thị Dung – Hoàng hậu nhà Lý, đồng thời là chị họ của mình làm vợ.
Nhưng cũng chính ông lại đi ngược chế định ấy khi ép vua Thái Tông lấy Thuận Thiên Công chúa (là người họ Lý) và là vợ của anh mình (tức là Trần Liễu) lúc này đang có thai.
Về sự kiện này sử còn chép: “Lúc ấy Chiêu Thánh chưa có con, mà Lý Thị (Công chúa Thuận Thiên – HCH) đã có mang được ba tháng. Thủ Độ cùng Thiên cực Công chúa (tức là Trần Thị Dung – HCH) bày mưu riêng với nhà vua nên nhận liều lấy để có lợi về sau, vì thế mới đem Lý Thị vào ở cung” .
Giải thích về nguyên nhân của sự việc này, sử gia Trần Trọng Kim cho rằng: “Thủ Độ chỉ lo làm thế nào cho ngôi nhà Trần được vững bền, cho nên không những là tàn ác với nhà Lý mà thôi (chỉ việc Trần Thủ Độ chôn sống một lúc 370 tôn thất Lý – HCH), đến luân thường ở trong nhà cũng làm loạn cả.
Chiêu Thánh Hoàng hậu lấy Thái Tông đã được 12 năm mà vẫn chưa có con, Thủ Độ bắt Thái Tông bỏ đi và giáng xuống làm công chúa, rồi đem chị bà Chiêu Thánh tức vợ Trần Liễu vào làm hoàng hậu bởi vì người chị đã có thai được 3 tháng”.
Vậy đứng trước việc vua không có con nên phải lấy vợ khác nhưng tại sao Thủ Độ lại không theo định chế của dòng họ buộc Thái Tông phải lấy một người nào khác trong dòng họ mà phải làm một việc trái với luân thường đạo lý là lấy chị dâu (đồng thời là chị vợ lúc này đang mang thai) và Thuận Thiên chính là người của dòng họ Lý vừa bị gạt ra khỏi vũ đài chính trị?
Vậy thực chất của vấn đề này là gì? Theo tôi việc làm này của Thủ Độ là do những nguyên nhân sau:
Thứ nhất, đó là do lòng tận tâm, tận sức của Thủ Độ đối với vương triều Trần muốn đảm bảo sự kế thừa ngai vàng một cách chính thống. Công lao bao nhiêu năm trời để tạo lập nên được vương triều cho dòng họ là công lớn của Thủ Độ.
Song ông chưa thể an tâm khi Thái Tông đã 20 tuổi (sinh năm 1218) mà chưa có con để nối dõi mặc dù đã ở ngôi và lập hoàng hậu 12 năm nay. Chính vì thế, ông phải tìm mọi cách để tìm cho được một đứa con cho Thái Tông nhằm đảm bảo sự kế thừa về sau được lâu dài.
Ông đã bất chấp và vượt lên trên đạo lý, định chế dòng họ để buộc Thái Tông lấy công chúa Thuận Thiên lúc này đang có thai như Trần Trọng Kim đã lý giải ở trên.
Thứ hai, việc làm này của Thủ Độ là nhằm đề phòng trường hợp Thái Tông không có khả năng sinh con thì vẫn đã “có con”, vả lại đây là con của anh ruột mình thì chẳng qua là “lọt sàng xuống nia” mà thôi.
Âu cũng là dòng dõi chính thống cả, chẳng đi đâu mà thiệt!. Do đó lấy con của anh làm con mình là phương án tối ưu nhất lúc này đối với cả Thái Tông lẫn Thủ Độ.
Thứ ba, tục nội hôn dòng tộc của họ Trần đặt ra là nhằm hạn chế, loại trừ sự tiếm quyền của lực lượng ngoại thích. Mà lúc này anh em bà con họ hàng của Thuận Thiên đã bị tiêu diệt gần hết thì lấy ai có đủ khả năng nắm quyền để giành lại ngôi vua được.
Mặt khác, chính quy định của dòng họ Trần chỉ phong vương và các chức vụ quan trọng cho con cháu họ Trần thì họ Lý dù có bao nhiêu người và tài cán tới đâu cũng khó mà lật ngược được thế cờ.
Thứ tư, việc buộc Thái Tông lấy Thuận Thiên bên cạnh bàn tay của Trần Thủ Độ còn có sự sắp đặt của bà Trần Thị Dung – vợ Trần Thủ Độ, nguyên trước kia là hoàng hậu của vua Lý Huệ Tông và là mẹ của Thuận Thiên.
Về vai trò của bà đối với vương triều Trần, sử còn ghi lại: “Trời sinh ra Linh Từ cốt để mở nghiệp Trần… “, cho nên: ”Nói về phần giúp đỡ nội trị cho nhà Trần thì Linh Từ có nhiều công to là vậy” .
Sự “dính dáng” của bà đối với vấn đề này, sử đã ghi lại như đã trích dẫn ở trên. Và chính Trần Thị Dung là mẹ của cả Thuận Thiên và Chiêu Thánh “nên dù con gái nào của bà là vợ vua, bà vẫn chỉ có lợi nên không những bà đồng lõa với chồng mà còn thu xếp để hai anh em Trần Cảnh vẫn hoà hợp với nhau mặc dù xảy ra việc đó” .
Như vậy, với sự trợ giúp đắc lực của vợ, Trần Thủ Độ đã thực hiện một bước đi táo bạo nhằm đảm bảo việc kế thừa ngai vàng một cách vững vàng và chính thống mà không sợ bị lên án và phản đối.
Thứ năm, đất nước dần đi vào ổn định, đời sống của nhân dân đã được nâng lên sau thời loạn lạc cuối triều Lý, lòng tin của nhân dân đã hướng về triều đại mới và cùng với những nguyên nhân như trên, Trần Thủ Độ đã “yên tâm” buộc Thái Tông lấy Thuận Thiên công chúa, chứ không phải là người trong dòng họ mà không sợ bị mất quyền về tay họ ngoại.
Bài viết dựa theo quan điểm của tác giả Hoàng Chí Hiếu (Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Huế)
Theo Yeuquehuong