Vì sao Triệu Quát cả đời chăm chỉ đọc sách, học nhiều binh pháp nhưng lại khiến 40 vạn quân Triệu bại vong

du-an-moi-63-3

Triệu Hiếu Thành Vương khi kế vị, tuổi đời lúc ấy còn khá nhỏ, do vậy ông rất thích những người trẻ như Triệu Quát, còn bậc lão thần như Liêm Pha thì ông không thích. Cuối cùng ông vẫn bổ nhiệm Triệu Quát làm tướng…

Mẫu thân Triệu Quát nói với Triệu vương: “Nếu ngài bổ nhiệm Triệu Quát làm tướng, tôi có một thỉnh cầu, nếu một mai cậu ta làm tiêu vong quân đội nước Triệu, thỉnh ngài đừng xử việc này liên luỵ đến Triệu gia”. Triệu vương đã đáp ứng thỉnh cầu của mẫu thân Triệu Quát.

Triệu vương lại tăng binh cho Triệu Quát, Triệu Quát bèn đem quân tiếp viện đến Trường Bình. Ngoài Triệu Xa, phu nhân của Triệu Xa (mẹ Triệu Quát) phản đối việc Triệu Quát làm tướng, còn có một người phản đối nữa là… Lạn Tương Như.

Lạn Tương Như khi đó đang bệnh không ra khỏi giường được, không lâu sau đó ông mất. Trong “Liêm Pha – Lạn Tương Như liệt truyện” có nói rằng: Lạn Tương Như trước khi lâm chung có nói với Triệu vương một câu rằng: ‘Đại vương nếu vì danh của Quát mà dùng y, thì giống như ‘miếng gỗ nhỏ (khoá đàn) bị gắn chặt không thể điều chỉnh thanh âm để chơi đàn sắt” (Nguyên gốc là Giao trụ cổ sắt – 膠柱鼓瑟).

Để có cuộc sống bình an và hút nhiều tài lộc, hãy tham khảo các vật phẩm phong thủy thủ công của Hòn Ngọc nhé!

Ý tứ là nói, ngài vì Triệu Quát có danh mà sử dụng, thì giống như Giao trụ cổ sắt – 膠柱鼓瑟. “Giao trụ cổ sắt” là một câu thành ngữ, giao – 膠nghĩa là dính chặt, trụ – 柱 ở đây là thanh gỗ có thể di chuyển được (tức khoá đàn), di chuyển khoá đàn có thể thay đổi thanh âm. Ở đây ‘giao trụ’ – 膠柱 tức là khoá đàn bị dính/cố định lại nên không thể chơi đàn sắt (cổ sắt – 鼓瑟: chơi đàn sắt).

Ý nghĩa câu trên là giống như một người câu nệ, không biết linh hoạt. Lạn Tương Như nói thêm: “Triệu Quát có thể đọc loạt sách của cha nhưng sẽ không linh động biến hoá. Cậu ta chỉ biết đọc ‘sách chết’, chứ không biết rằng trong binh pháp là biến hoá khôn lường”.

Triệu vương vẫn không nghe những lời này. Sau khi Triệu Quát đến tiền tuyến, Liêm Pha lãnh binh lính thân cận của ông về nước Triệu.

Triệu Quát đem hết thảy mệnh lệnh, chiến lược phòng thủ của Liêm Pha thay đổi toàn bộ. Thêm nữa, cậu ta còn dỡ bỏ hết thảy hệ thống công sự phòng vệ mà Liêm Pha đã lập, chuẩn bị phát động tấn công quân Tần.

Trước khi Triệu Quát xuất binh, cậu ta còn khoác lác nói: “Nếu đối thủ của ta là Vương Hột, là chủ tướng của trận chiến Trường Bình, thì ta đánh ông ta sẽ không có chút nào khó khăn, khẳng định sẽ đánh thắng. Nếu người đánh với ta là danh tướng Bạch Khởi thì ta còn phải suy nghĩ một chút, làm thế nào để đánh thắng ông ta”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Kết quả khi Triệu Quát lãnh binh đến tiền tuyến, Tần vương bí mật đưa Vương Hột về nước, để Vũ An Quân Bạch Khởi đến trận chiến. Đồng thời Tần vương còn hạ một nghiêm lệnh, nếu ai đó tiết lộ việc Vũ An Quân Bạch Khởi đang ở trong quân Tần, người đó sẽ lập tức bị trảm không tha. Bởi vì nếu đánh với Bạch Khởi, Triệu Quát sẽ rất cẩn thận.

Triệu Quát cho rằng nếu tướng cầm binh của đối phương là Vương Hột, thì về mặt chiến lược chiến thuật cậu ta sẽ vô cùng khinh thường. Đây là mầm mống của trận thua tan tác rồi sau đó bị chôn sống của quân đội nước Triệu.

Vũ An Quân Bạch Khởi sau khi đến tiền tuyến, ông chế định lại kế hoạch vô cùng chi tiết. Kế hoạch này phân thành ba bộ phận. Bộ phận thứ nhất là khi tác chiến với quân Triệu, quân đội tiên phong của nước Tần chỉ được phép bại chứ không được phép thắng, cứ để cho Triệu Quát truy kích.

Thứ hai là đợi đến khi toàn bộ quân Triệu truy kích theo sau quân Tần, ông sẽ phái 5 ngàn quân chặn ngang quân đội của Triệu Quát. Sau đó lại phái 25 ngàn quân vây chặt mặt sau của quân Triệu, để cắt đứt đường lương thảo của quân Triệu. Đây là ba bộ phận của kế hoạch.

Triệu Quát đi đánh trận với Bạch Khởi, quân của Bạch Khởi bắt đầu lùi dần về phía sau, Triệu Quát bèn truy đuổi. Phụ cận Trường Bình là Thái Hành Sơn, nơi đây có rất nhiều núi, rất nhiều khe núi thung lũng.

Quân tiên phong nước Tần đã dẫn quân của Triệu Quát đến một thung lũng, khi đó Triệu Quát mang theo 20 vạn đại quân để truy đuổi quân Tần. Đuổi đến chỗ công sự phòng ngự của quân Tần, Triệu Quát bèn liều mạng tấn công đại doanh của quân Tần, hy vọng có thể công phá được đại doanh quân Tần.

Kết quả hệ thống phòng thủ của quân Tần rất kiên cố nghiêm mật, quân Triệu bị chặn trước đại doanh của quân Tần. Khi này quân Triệu muốn thoái binh đã… không được nữa rồi. 5.000 quân Tần đã phong kín thung lũng lại rồi, Triệu Quát căn bản tiến thoái lưỡng nan.

Trong đại bản doanh của nước Triệu còn có 20 vạn quân nữa, phía sau đại bản doanh của quân Triệu là đường chuyển lương (lương đạo 糧道) của nước Triệu, quá khứ Liêm Pha từng dùng quân đội chủ lực để phòng thủ lương đạo này.

Do Triệu Quát mang binh xuất chinh, những người ở lại trong đại doanh, họ không thủ nổi lương đạo này, bị 25 ngàn quân của Bạch Khởi đoạn dứt. Kết quả quân Triệu lâm vào cảnh không có lương thực, tiếp tục cuộc chiến quả thật khó khăn.

Lời bạch: Quân đội nước Triệu bị phân cắt bao vây, lương thảo bị đứt đoạn, bị vây ở thung lũng 46 ngày, binh sĩ Triệu Quát… ăn thịt lẫn nhau. Lúc này Tần vương đích thân tới tiền tuyến, chiêu mộ tất cả trai tráng trên 15 tuổi của nước Tần để tham gia trận quyết chiến này.

Triệu Quát không còn biện pháp, chọn ra 5 ngàn tinh binh, mang giáp nặng, liều chết phá vòng vây, kết quả Triệu Quát bị tên bắn lạc đạn trúng người mất mạng. Quân Tần chặt thủ cấp Triệu Quát để chiêu hàng quân đội trong đại bản doanh nước Triệu, 40 vạn quân Triệu đã đầu hàng nước Tần. Khi đó quân Tần chỉ có 20 vạn. Vì lo lắng quân Triệu sẽ làm liều, Vũ An Quân Bạch Khởi đã hạ một mệnh lệnh cực kỳ tàn khốc (1).

Bạch Khởi đêm hôm đó đã bí mật hạ một quân lệnh, để toàn bộ binh sĩ nước Tần lấy vải trắng buộc tóc (2), phàm là những ai trên đầu không có vải trắng là người nước Triệu, đem tất cả những người đấy giết đi. 40 vạn quân Triệu trong một đêm đã chết sạch ở thung lũng.

Trong “Đông Chu liệt quốc chí” nói rằng, khi đó máu của quân Triệu bị giết chảy giống như một dòng sông, róc rách róc rách, nước của vùng Dương Cốc đều biến thành đỏ. (Dương Cốc là vùng mà quân Triệu bị vây khốn).

Nước Tần vì để cổ vũ khích lệ chiến tranh, ai có thể lấy được thủ cấp kẻ địch thì tước vị thăng lên một cấp. Nước Tần có hơn 20 tước vị, cho nên khi đó chém hạ 40 vạn thủ cấp quân Triệu, chất ở giữa đại bản doanh quân Tần, Bạch Khởi gọi đó là núi đầu lâu (Đầu lâu sơn – 頭顱山), sau đó lấy tên Dương Cốc này đổi thành Sát Cốc (Thung lũng xảy ra vụ thảm sát).

Triệu Quát bàn việc binh trên giấy - Ảnh: Internet
Triệu Quát bàn việc binh trên giấy – Ảnh: Internet

Triệu Quát ở thư phòng mà đàm luận binh pháp thì rõ ràng mạch lạc, nhưng thực tế lại tống tiễn 40 vạn sinh mệnh đại quân về thế giới bên kia, lưu lại một câu thành ngữ “chỉ thượng đàm binh” (紙上談兵: bàn việc binh trên giấy), đằng sau mỗi chữ là máu của 40 vạn binh sĩ nước Triệu.

Đến năm Khai Nguyên thứ 11 triều Đường, Đường Huyền Tông Lý Long Cơ khi tuần hành đến Dương Cốc, chiến trường Trường Bình năm xưa, nghĩ đến tình cảnh thảm thương của 40 vạn sĩ tốt nước Triệu bị chết chất thành đống khi đó, ông đã thở dài đau buồn, lệnh cho cao tăng của Thuỷ Lục lập đạo tràng siêu độ cho những vong hồn đã khuất trong 7 ngày 7 đêm, đồng thời ở trên núi còn lập một cái miếu gọi là Khô Lâu miếu (骷髏廟: miếu đầu lâu).

Sau khi Bạch Khởi giết 40 vạn sĩ tốt, ông chỉ lưu lại 240 người để họ về nước Triệu tuyên dương uy lực quân đội nước Tần. Khi đó đô thành Hàm Đan nước Triệu, nhà nhà đều khóc người chết, hộ hộ đều mặc đồ tang, vợ khóc chồng, con khóc cha… tiếng khóc thê lương khắp đường đầy ngõ, vô cùng bi ai.

Quân Tần thừa thắng truy kích, chuẩn bị công hạ Hàm Đan tiêu diệt nước Triệu chỉ trong một trận đánh, lúc đó nước Triệu đang lâm vào đại hoạ diệt nước. Mọi người làm thế nào có thể giải cứu quốc gia lâm đang lâm nguy đây? Bình Nguyên Quân Triệu Thắng nói với một vài môn khách dưới trướng: “Các vị có biện pháp nào cứu nước Triệu không?”, mọi người đều im lặng.

Đúng lúc đó, em trai Tô Tần là Tô Đại đang làm môn khách trong nhà Bình Nguyên Quân nói: “Ngài cho tôi một chút tiền, tôi có thể giúp ngài giải quyết chuyện này”.

Bình Nguyên Quân đưa Tô Đại một ít tiền, Tô Đại đem số tiền đó đến nước Tần, ông đến bái kiến Thừa tướng Ứng Hầu Phạm Thư. Ông hỏi Phạm Thư: “Tôi nghe nói phải chăng Bạch Khởi đã giết con trai của Mã Phục Quân Triệu Xa là Triệu Quát?”. Phạm Thư nói: “Đúng thế”. Tô Đại hỏi thêm: “Tôi nghe nói phải chăng Vũ An Quân Bạch Khởi chuẩn bị tiêu diệt nước Triệu?”. Phạm Thư cũng nói: “Đúng thế”.

Tô Đại nói: “Nếu nói Vũ An Quân tiêu diệt nước Triệu vốn là nước mạnh nhất trong ‘Tam Tấn’ (Triệu – Nguỵ – Hàn), tiếp đến có thể diệt Hàn và Nguỵ, thì việc tiêu diệt hai nước Yên – Sở cũng là điều hợp lý.

Nếu là như vậy, Vũ An Quân Bạch Khởi sẽ trở thành đại công thần lớn nhất trong việc thống nhất thiên hạ, Tần vương sẽ lập ông ấy thành Tam công (3). Khi đó địa vị ông ta sẽ cao hơn Thừa tướng ngài đây”.

Phạm Thư nói: “Vậy tôi phải làm cách nào?”. Tô Đại nói: “Việc này rất đơn giản, ông nên nói với Tần vương rằng, trong trận chiến Trường Bình, nước Tần đã chiến đấu hai năm rồi, binh sĩ thương vong rất nhiều, nên cho họ nghỉ ngơi một chút”.

Thế là Phạm Thư nói với Tần vương: “Binh sĩ nước Tần đã rất cực khổ rồi, nên cho họ nghỉ ngơi”. Tần vương bèn lập tức bảo quân Tần từ nước Triệu rút về nước.

Bạch Khởi có cách nghĩ riêng của ông, ông cho rằng, lúc này tấn công nước Triệu có ba điều lợi. Thứ nhất, Hàm Đan không có chuẩn bị tốt cho việc ứng chiến và phòng ngự. Thứ hai, quân đội chủ lực của nước Triệu toàn bộ đã bị tiêu diệt, quân Triệu không những mất đi sĩ khí mà nguồn binh lính cũng không đủ nữa.

Thứ ba, nếu tấn công Hàm Đan, chỉ cần đánh nhanh thắng nhanh, quân đội chư hầu khi ấy muốn cứu Triệu cũng không kịp, nước Triệu sẽ diệt vong. Nhưng vì Tần vương ra lệnh rút quân, cho nên Vũ An Quân Bạch Khởi đành phải thoái binh.

Lời bạch: Trận chiến Trường Bình, nước Triệu đưa ra quyết sách sai lầm liên tiếp, bản thân việc nước Triệu tiếp quản vùng Thượng Đảng mà nước Hàn giao lại thì không sai, trận chiến giữa hai nước Tần – Triệu là không thể tránh khỏi. Nhưng sau khi tiếp nhận vùng Thượng Đảng vào năm 262 TCN, vậy mà trong hai năm sau đó, Triệu lại không làm tốt công tác chuẩn bị, đây là sai lầm thứ nhất.

Đến năm 260 TCN, khi nước Tần tấn công Thượng Đảng, nước Triệu lại cầu hoà với nước Tần chứ không cầu cứu đến các chư hầu, đây là sai lầm thứ hai. Tiếp đến, nước Triệu thông qua việc dỡ bỏ sách lược phòng thủ của Liêm Pha, tín nhiệm Triệu Quát để cậu ta mạo hiểm tấn công, đây là sai lầm thứ ba. Triệu Quát bị vây khốn ở Trường Bình, nước Triệu lại không cứu viện kịp thời, cũng không cầu cứu Sở, Nguỵ… đây là sai lầm thứ tư.

Bạch Khởi sau khi về nước, ông vô cùng bất mãn, bởi vì vốn dĩ sắp diệt được nước Triệu, đại công lao này lại bị Ứng Hầu phá rối thất bại. Ông về nước xong công khai tuyên bố: “Sau trận chiến Trường Bình, đô thành Hàm Đan trong một đêm mà vô cùng sợ hãi. Nếu khi đó nước Tần tấn công nước Triệu, không quá một tháng, tôi có thể đảm bảo công hạ được đô thành Hàm Đan. Thật tiếc thay, con người Ứng Hầu này không biết thời thế, đã làm mất đi cơ hội tốt như thế này”.

Bản đồ các nước thời chiến quốc
Bản đồ các nước thời chiến quốc

Những lời này sau đó truyền đến tai của Tần vương, Tần vương nghe xong cũng rất hối tiếc. Thế là sang năm tiếp theo, tầm tháng 9 năm 259 TCN, nước Tần lại một lần nữa tấn công nước Triệu, đại tướng phái đi lần này là Vương Lăng – bởi vì đại tướng Bạch Khởi khi đó đã ngã bệnh. Lúc này Vương Lăng tấn công nước Triệu rất không thuận lợi, Liêm Pha đã thiết lập một hệ thống phòng thủ, ông lần lượt đả bại quân đội của Vương Lăng.

Tần vương thấy Vương Lăng đánh mãi vẫn thua, ông muốn Bạch Khởi lãnh binh, nói với Bạch Khởi rằng: “Ngươi hãy đi ra tiền tuyến”. Bạch Khởi nói: “Thần không đi, bây giờ đã cách trận chiến Trường Bình hai năm rồi, nước Triệu đã làm xong việc phòng thủ cho Hàm Đan, đã làm rất đầy đủ chu đáo.

Đồng thời năm đó thần lui binh, chúng ta đã giảng hoà với nước Triệu, nước Triệu cắt một vài thành cho chúng ta, hiện tại hiệp ước giảng hoà với nước Triệu còn chưa ráo mực, chúng ta lại đi đánh họ, tương đương với việc chúng ta không có tín nghĩa.

Ngoài ra, thời gian của lần phòng ngự này của nước Triệu khá dài, nó sẽ cho các nước chư hầu có cơ hội để tiếp viện bọn họ. Như vậy nước Triệu phía bắc đánh với chúng ta, nước Sở và nước Nguỵ lại đánh với chúng ta ở phía nam, nước Tần chúng ta không thắng được trận chiến này, cho nên thần kiến nghị là không cần đánh nữa”.

Bạch Khởi không những không đi, ông còn nói trận này đánh không thắng. Khi đó Tần vương cũng giận nhưng vẫn còn nôn nóng, bèn bảo Vương Lăng rút quân, phái Vương Hột đi, Vương Hột cũng đánh không thắng. Sau đó, Bạch Khởi nói: “Thần đã bảo là đánh không thắng”. Câu nói này của ông cũng có hàm ý ‘cười trên nỗi đau của người khác’. Kết quả những lời này lọt vào tai Tần vương.

Bạch Khởi nói những lời có chút mỉa mai, trước đó đã tàn sát 40 vạn quân Triệu, rốt cuộc số phận của ông sẽ ra sao? Kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.

Chú thích:

(1) Nguyên gốc là Thảm tuyệt nhân hoàn – 慘絕人寰: thảm khốc vượt quá thế gian con người, cực kỳ tàn khốc.

(2) Thời đó nam nhi để tóc dài.

(3) Tam công: Ba chức quan cao nhất thời phong kiến gồm: Thái sư, Thái phó, Thái bảo.

Theo DKN

Xem thêm
Chia sẻ bài viết: