Vì sao trước khi chết, Tư Mã Ý để lại di ngôn 8 chữ cho con cháu: “không lập mộ bia, không được tảo mộ”?
Tư Mã Ý có thể được coi là một trong những chiến lược gia xuất sắc nhất trong Tam Quốc, vừa là thiên tài quân sự, vừa là đại sư mưu kế. Cuộc đời của ông đầy biến động, giống như một bản anh hùng ca thăng trầm sóng gió.
Sinh ra trong thời kỳ hỗn loạn, lớn lên giữa ngọn lửa chiến tranh, Tư Mã Ý với trí tuệ phi thường và tài năng quân sự xuất chúng đã sớm nổi bật trong thời Tam Quốc. Tuy nhiên, ngay khi ông đứng trên đỉnh cao quyền lực, ông mới nhìn lại con đường đẫm máu mà mình đi qua, những đấu tranh nội tâm và nỗi sợ hãi bắt đầu hiện hữu trong tâm hồn ông.
Trước lúc lâm chung, ông nhớ lại số phận bi kịch của hơn 7.000 người nhà họ Tào và để lại lời di ngôn 8 chữ. Đằng sau lời di ngôn này chứa ẩn ý gì? Thế giới nội tâm của một vị kiêu hùng sẽ được bộc lộ như thế nào trong dòng chảy lịch sử to lớn này?
Tư Mã Ý sinh ra tại huyện Ôn, quận Hà Nam, xuất thân từ một gia đình quyền quý, tổ phụ là Tư Mã Tuấn, phụ thân là Tư Mã Phòng. Tư Mã Ý thông minh đa lược từ nhỏ, tinh thông nho học, đam mê binh pháp. Ông từng từ chối các lời mời của Tào Tháo, nhưng cuối cùng phải chấp nhận giữ chức Văn học duyện, từ đó dần dần chiếm được sự tín nhiệm và trọng dụng từ phía Tào Tháo.
Tư Mã Ý trở thành trợ thủ đắc lực của Tào Phi, giúp Tào Phi lên kế vị, giúp Tào Duệ dẹp loạn, liên tục chống lại các cuộc Bắc phạt của Gia Cát Lượng, viễn chinh bình định Liêu Đông, đóng góp to lớn cho sự phát triển của nước Ngụy. Ông cũng đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp như trồng trọt và thủy lợi, đặt nền móng cho sự thịnh vượng kinh tế của nhà Ngụy.
Tuy thành tích của ông to lớn đến vậy nhưng cũng không thể bỏ qua được những sai lầm của ông. Tư Mã Ý đã sử dụng mưu trí và thủ đoạn của mình để đạt được mục tiêu cuối cùng, nhưng trong quá trình này, ông cũng mang lại tai họa cho gia tộc Tư Mã. Vì thế trước khi qua đời, Tư Mã Ý đã để lại di ngôn 8 chữ cho con cháu: “không lập mộ bia, không được tảo mộ”.
Một số người cho rằng, Tư Mã Ý hoàn toàn biết rõ công lao và tội lỗi của mình, không dám mong đợi hậu thế tưởng nhớ, cũng như không muốn gây phiền toái và nguy hiểm cho hậu thế, vì vậy nên ông quyết định không xây mộ và không thực hiện lễ thờ cúng.
Một số người cũng cho rằng, Tư Mã Ý đã nghĩ đến hơn 7.000 người nhà họ Tào và những sinh mạng vô tội khác mà mình đã giết chết, ông không muốn để hậu thế biết về tội ác của mình, vì vậy nên ông quyết định không xây mộ, không thực hiện lễ thờ cúng để bày tỏ sự ăn năn và sám hối.
Cũng có người cho rằng, đó là do Tư Mã Ý hiểu rằng tham vọng và hành động của mình đã mang lại tai họa cho gia tộc, ông mong thế hệ tương lai sẽ suy ngẫm về lỗi lầm của mình và tránh lặp lại sai lầm tương tự.
Tiếc thay, lời di ngôn của Tư Mã Ý cũng khó có thể giúp cho dòng tộc của ông thoát khỏi quy luật lịch sử. Sau khi hậu thế của gia đình Tư Mã thừa kế quyền lực từ ông, họ đã không học được bài học từ tổ tiên mà lại tiếp tục cuốn theo chuỗi bi kịch này.
Mặc dù lời di ngôn trước lúc lâm chung của Tư Mã Ý thể hiện sự hiểu biết sâu sắc của ông đối với quyền lực, nhưng cũng không thể đảo ngược tiến trình lịch sử do từng bước mà ông gây ra. Và những người phổ thông bình thường như chúng ta, không ai có thể cải biến được dòng chảy của thời gian. Tận cùng của nhân tính chính là bản nguyên của đạo đức, quyền lực cuối cùng cũng sẽ mãi mãi bị chôn vùi trong dòng thời gian dài vô tận.
Lan Chi biên dịch
Nguồn: Soundofhope (Quách Hiểu)