Lang Liêu Hùng Chiêu Vương: vua Thánh tu thân trị quốc, vua Hùng thứ 7
Thánh vương trị vì là điều mong mỏi của vạn dân từ ngàn xưa đến nay. Tấm gương về đạo đức của các Ngài luôn là những câu chuyện đẹp nhất trong lịch sử.
Dân Việt ta rất may mắn, dẫu qua nghìn năm đô hộ mà đến nay chúng ta vẫn còn biết rất rõ hành trạng của một trong những vị Thánh vương vĩ đại nhất từng cai quản dân Nam, đó là Hùng Chiêu Vương, húy Lang Liêu, vị vua Hùng thứ 7.
Thánh Nhân trị vì, thần tích triển hiện
Lang Liêu có lẽ là vị vua Hùng được nhiều người nhớ nhất trong lịch sử. Vì mỗi năm vào độ Xuân về, khi mấy chục triệu dân Việt quây quần ăn cỗ Tết với bánh chưng bánh dày ắt hẳn không ít người sẽ nhắc đến Ngài.
Sau khi vâng mệnh Trời lên ngôi với cuộc thi làm bánh lịch sử đó, Lang Liêu quả thực đã chứng minh rằng ông chính là chân mệnh Thiên Tử mà Trời chọn cho nước Việt. Vốn dĩ là một người tu Tiên, sống thuận Thiên Đạo nên thời ông trị vì đất nước thanh bình phồn vinh, cả xã hội hài hòa với người dân lương thiện hiền lành.
“Thái tử là Chiêu vương nối ngôi kế thừa đại thống. Vua cố gắng chuyên tinh chính trị, sau khi được kế thừa thanh thế đánh giặc vang lừng của vua cha bèn cho cất cung khóa giáp, tỏ ý không dùng binh nữa, chỉ lo an dưỡng muôn dân, sửa sang giáo hoá. Rồi đó lấy chuyện trước làm răn, không dám làm càn dâng lễ uế tạp khiến cho hoàng thiên giận giáng tai ương, giặc ngoài biên mấy lần xâm phạm, sáu đời thừa hưởng thái bình bỗng trở thành thời loạn. Từ đó vua kính sùng thiên đạo, kính thờ quỷ thần, phàm các nơi trên núi dưới biển ở đâu có hiển ứng linh thiêng đều sai trăm quan văn võ đến xây cất miếu điện, hoạ vẽ thánh tượng, thành tâm phụng thờ.
Vua bèn ngự điện Kính Thiên, cho xây cất Dao đài ngọc khuyết, tô vẽ cung tường, trang hoàng miếu vũ, bố trí nghi vệ nhất nhất trang nghiêm. Các đồ tế khí cũng đều cho vẽ rồng mây, ngày đêm đèn hương không ngớt. Hàng tháng cứ ngày sóc (mồng một) vọng (rằm) vua đều trai giới lên ngự điện coi chầu. Bên cạnh điện từ xưa có một ngôi chùa nguyên là nơi khi xưa Thượng thánh thường đến tu luyện thân tâm, chế thuốc linh đan hiệu dụng nhiệm màu, nhờ đó đắc pháp thành Tiên, hóa sinh bất diệt, giữa thanh thiên bạch nhật bay lên trời, về sau phát tích tại chùa này. Chùa được Thần Tiên bộ chúng giáng thế dực phù, núi sông chung đúc linh thiêng lạ đẹp, trời trăng tinh tú, Tứ đại Thiên vương, Bát bộ Kim cương, Nhị thập bát tú cùng bách thần tụ hội để theo hầu hộ vệ. Sơn tinh Thuỷ tinh, sông ngòi biển núi, trăm thú đến chầu, tất cả đều quy về một mối, xưa gọi là Từ Sơn cảnh Thừa Long tự (nay đổi là Thiên Quang thiền tự). Nay Hùng Chiêu vương cũng đến ngựở chùa ấy, truyền cho bách quan tả hữu tu sửa trong chùa, cả bốn vách chùa đều cho vẽ các ảnh tượng màu sắc huy hoàng, xung quanh chùa trồng cây trồng hoa làm phong cảnh. Nền móng đã thành, bèn truyền hịch cho các châu huyện nơi nào có tăng ni, đạo sĩ đến hội đồng làm lễ thì được cấp phát áo mũ, tụ hội đạo chúng để thuyết pháp giảng giải chân kinh, khai mở nguồn đạo. Đạo chúng dâng cúng hương hoa, bốn mùa thơm phức.” (Hùng Vương ngọc phả)
Do kính phụng Thần linh, chăm lo giáo hóa dân chúng sống theo Thiên Đạo, nên Thiên Thượng đặc biệt chú ý đến nhà vua, và cũng cho phép Thần tích triển hiện trên vùng đất này một lần nữa:
“Hùng Chiêu vương lại sai quần thần mồng một và ngày rằm dâng lễ chay (trai lễ), hai ban văn võ đứng chầu nghiêm trang, vua kính cẩn đọc sớ dâng quả. Tháp cửu tiêu tuy cao, nhưng đèn hương dễ thấu áng mây lành; một tấm thành tâm cảm cách thông đến thiên địa. Cầu tất ứng, ước nguyện đều được tòng tâm. Bỗng thấy một lão ông mình vàng mặt ngọc cưỡi mây bay xuống. Vua lạy chào rồi mời lão ông vào trong điện chùa. Lão ông nói:
– Ta là thần miền Tây vực, cư trú lâu ngày ở Biển Giác, chu du trên thuyền Bát nhã (Trí tuệ), không nhiễm lòng trần. Nay ta đang đi phơi thuốc ở đường đến Niết Bàn, thấy nơi đây dân chúng lòng thành cảm cách, râm ran tiếng cầu kinh xướng kệ, cho nên ta cảm ứng mà đến đây. Vua mừng thầm: “Nhân tâm thành ý, thiên ý tất thông”
Trong chốc lát, cụ già lấy trong ống tay áo ra một chiếc móng rồng (long trảo) bằng ngọc đem trao cho vương. Liền đó một đám mây ngũ sắc hiện ra sáng lóa cả núi rừng. Lão ông bước lên đám mây ấy mà bay lên trời.” (Hùng Vương ngọc phả)
Quân quyền thần thụ, trời ban cho ấn kiếm
Xưa có câu “Quân quyền Thần thụ” nghĩa là quyền lực của Vua là do Trời ban. Nên nếu không có sự xác nhận từ Trời thì vua sẽ không đủ tư cách cai trị quốc gia và quốc gia đó cũng không tồn tại được. May mắn cho dân tộc ta có được sự dẫn dắt từ dòng dõi của Thần, các vị vua Hùng, đến thời Hùng Chiêu Vương, với sự trị vì sáng suốt và thành kính thờ Trời mà một lần nữa Trời giáng hạ Thần tích xác nhận quân quyền của nước Nam:
“Bấy giờ Hùng Chiêu vương mới biết đó là đức Phật bèn sụp quỳ lạy tạ. Ngày hôm ấy vua truyền cho bách quan triều thần ăn ở chay tịnh rồi lập đàn cúng ở chùa, cung thỉnh bách thần đến hội ở núi Thượng Linh. Lời chúc văn viết rằng: “Ngày hôm nay Chiêu vương tôi may mắn được gặp một vị lão ông tặng cho một cặp kỳ vật, không biết nên đem làm gì cho được quý báu? Chư vị thần linh nếu hay biết nguyện xin chỉ giáo cho”.
Chiêu vương vừa khấn xong bỗng thấy trên không rực sáng, rồi một đám mây lành sà xuống, Tứ đại thiên vương hiện lên giữa đàn. Thiên vương mình cao bảy thước, mày râu bạc trắng, đầu đội mũ hoa màu sắc rực rỡ. Chiêu vương lạy chào rồi mời thiên vương vào trong điện. Chiêu vương sửa sang áo mũ lạy chào. Thiên vương nói:
– Hai vật quý Lão ông đem tặng là của Hoàng Thiên thượng đế, vua hãy dùng vật ấy để chế ra một cái chuôi kiếm và một quảấn phù, cần phải mài dũa cho thật sáng để làm vật quốc bảo. Nói xong Thiên vương lại bước lên mây mà đi.
Hùng Chiêu vương hướng về phía đầu núi mà vái vọng. Cũng nhân việc này vua cho đắp thánh tượng đặt ở trong chùa để phụng thờ. Rồi đó Chiêu vương ngự giá về cung, sai đem khối ngọc khắc thành quả bảo ấn, đem chiếc móng rồng bằng ngọc tạc thành cái chuối kiếm. Trên mặt ấn khắc 3 chữ “Thiên Linh ấn”, trên chuôi gươm cũng khắc 3 chữ “Thiên Lĩnh nhẫn” (nhẫn cũng là kiếm)”. (Hùng Vương ngọc phả)
Đắc Đạo thành Tiên, vĩnh sinh bất diệt
Từ khi còn là 1 hoàng tử, bản tính nhân hậu và trái tim thuần khiết đã khiến Lang Liêu được Thần linh phù trợ và giúp đỡ tu luyện. Sau này khi lên ngôi thành Hùng Chiêu Vương, ông còn được Thiên thượng nhiều lần triển hiện cho thấy phép màu. Trí huệ khai mở trước những quang cảnh Thần tích kỳ vĩ ấy đã khiến ông ngộ ra, tự nghiệm thấy người phàm quá nhỏ bé và kiếp người quá ngắn ngủi nên càng dốc lòng tu hành và cầu đắc Đạo, không quá quyến luyến ngôi cao điện ngọc kia nữa.
“Từ đó xã tắc vô lo, triều đình yên tĩnh. Vua nghiệm ra một điều rằng lẽ Trời rất mực huyền vi, đối với đạo Trời vua dốc lòng ngày một thêm sùng chuộng. Một ngày kia tiết trời tạnh sáng, muôn cảnh đều tươi mới, quần hồng áo tía đầy thành, người và cảnh vật dịu yên trong ánh thiều quang. Quần thần dâng lời tâu:
– Chúng thần nghe nói núi Tam Đảo là nơi quần Tiên thường hay đến hội. Vua vốn trọng việc quỷ thần, nên một phen đến đó ngoạn thưởng.
Vua bèn truyền cho xa giá đi ngắm xem phong cảnh. Xe loan đến nơi, Chiêu vương mừng thấy đồi vóc núi gấm, lâu đài lớp lớp toả sáng ngàn tầm; suối biếc khe xanh lặng tung bọt sóng. Cảnh vật tranh sắc, hoa cỏ đua thơm. Đầu ngọn núi nhỏ có ngôi chùa cổ tên là chùa Tây Thiên dựng trên khoảnh núi địa thế như con rồng trắng bay sà xuống. Vua bèn cho dựng đàn tràng, sửa dọn lễ chay, sai quần thần dâng tiến đứng chầu. Vua làm lễ bái yết, mở một tràng công đức ở trong chùa, vua thân đến dâng lễ, sớm cầu tối nguyện trong bảy ngày bảy đêm, trai gái bốn phương kéo về dự hội đông như mây họp. Mọi người cùng vui thăm xem cảnh vật. Dẫu chim chóc chốn sơn lâm cũng được nghe kinh, tuy cá tôm dưới khe suối cũng vui nghe giảng kệ. Công đức viên thành, vương lại đến bên khe Thạch Bàn để xem tiên cảnh. Bỗng thấy trên lầu điện nguy nga khói sương lấp lánh, bốn phía quần hội rồng mây, mông lung lâu đài đất Phật hiện lên. Một bầu núi non, đúng là cảnh Bồng Lai thú vị. Vua bèn vào chùa Phù Nghi, đứng xem Tiên Đàn, khấn nhẩm lời cầu nguyện Hoàng Thiên thượng đế. Rồi vua truyền gọi triều thần văn võ đến hội chầu. Khi mọi người đã sửa sang áo mũ nghiêm trang, vua đọc văn khấn chúc: “Cúi nguyện Hoàng thiên cho các vị thần tiên giáng xuống cho Chiêu vương tôi cùng triều thần có dịp hạnh ngộ, thỏa lòng mong ước ba sinh”.
Đọc chúc xong vua sụp xuống lạy tạ. Nhưng sau ba ngày vẫn không thấy bóng dáng của các vị Tiên. Hùng Chiêu vương hồi hộp lo lắng, nhưng không biết phải làm thế nào? Vua bèn đến chỗ núi Long Đầu hướng về Tiên Đàn mật khấn. Đêm ấy vua chiêm bao thấy một vị thần linh hiện lên bảo rằng:
“Tây đại sơn nhân thượng“
Bất kiến tâm hạ tướng.
Hội đông túc danh nhân,
Doãn cư thượng khẩu vượng.
Chiêu vương nhận được bài thơ thần bốn cấu đó xong liền xa giá về cung. Về đến dưới núi thấy một mỹ nhân phong tư xinh đẹp, cốt cách thanh cao đang đứng bên điện Cẩm Miếu xem xa giá nhà vua. Vương thích nhan sắc cô gái ấy, bèn lấy làm vợ. Đến khi về cung, Chiêu vương hỏi: “Nhà nàng ở đâu?” Cô gái đáp:
– Thiếp là tiên nhân giáng sinh xuống trần ở Đông Lộ làm con của Ông Trưởng. Thiếp đã mấy mùa hoa vịnh sử ngâm kinh, che châu giấu ngọc để đợi bậc anh hùng. Gần đây trộm nghe bệ hạ làm kinh động đến cả Tây Thiên, dựng đàn tràng muốn cầu Tiên tử. Thiếp vì thế dẫu chẳng phải xa xôi cũng đến xem, may duyên trời tiền định cho thiếp được gặp quân vương, xin nguyện phụng hầu nơi màn trướng không phụ nguyện ước ba sinh.
Chiêu vương nghe lời kể của mỹ nhân, biết hoàng thiên sai đưa tiên nữ đến cho mình. Thế là Chiêu vương sai quần thần sắm sửa sính lễ, rồi ngự xa giá đến nhà Trưởng Ông ở Đông Lộ xin nạp sính lễ. Rồi đó vương lên xe trở về kinh đô Phong Châu lập tiên nương làm vương phi chính nhất. Chưa đầy năm vương phi mang thai, rồi sinh một trai tư chất bẩm sinh thông minh, anh tài trác việt, đến tuổi trưởng thành được vua cha lập làm Thái tử nối quốc thống, hiệu là Hùng Vĩ vương. Về sau, Chiêu vương cùng hoàng phi nhờ có tiên thuật hưởng nước được 200 năm, tuổi thọ sánh ngang tuế nguyệt Kiều Bành, hoá sinh bất diệt.” (Hùng Vương ngọc phả)
Lời bàn:
Quốc gia là nơi bậc Nhân vương thi hành đức chính, kính Trời tu thân mà thành tựu đạo quả, đem lại phúc báu cho toàn thể nhân dân. Nước có giàu mạnh yên vui hay không chính là công đức của bậc thiên tử vậy. May nhờ những bậc vua chúa chân tu như Lang Liêu mà chúng ta mới có dịp nghe đọc những Thần tích huy hoàng từng xảy ra tại nước Nam, quả là đáng quý thay.
(Còn tiếp…)
Nguồn: ntdvn (Minh Bảo)