Gia Cát khẩu chiến quần Nho
Quân Tào đánh bại Lưu Bị ở Trường Bản, nên Lưu Bị phải rút về phòng thủ ở Hạ Khẩu. Đại quân Tào Tháo áp sát biên giới nên quần thần trên dưới ở Đông Ngô chủ trương quy hàng. Gia Cát Lượng vì muốn liên minh với Tôn Quyền kháng Tào nên đã một mình theo Lỗ Túc đi Giang Đông. Nhưng vì nhóm danh sĩ bên Ngô chủ trương hàng Tào, nên từng người một đều đứng ra chất vấn gây khó dễ cho Khổng Minh.
Gia Cát Lượng thần thái điềm tĩnh tự nhiên, gan dạ sáng suốt siêu xuất người thường, ông từ tốn triển khai cuộc tranh biện, thể hiện tài hùng biện thao thao, đã khuất phục được toàn bộ danh sĩ Đông Ngô, cuối cùng cũng thuyết phục được Tôn Quyền, hình thành cục diện liên minh Tôn-Lưu.
Chủ trương khẩu chiến với Gia Cát Lượng gồm có Trương Chiêu, Cố Ung v.v., và nhiều danh sĩ văn võ khác, tổng cộng cũng hơn 20 người, ai ai cũng áo mão uy phong, ngồi đạo mạo chỉnh tề. Gia Cát Lượng tương kiến từng người một, hỏi danh tính từng người một.
Trương Chiêu thấy tư thái Gia Cát Lượng thần thái phiêu diêu thoát tục, phong cách hiên ngang, dự đoán nhất định là đến để du thuyết, nên đã chất vấn Gia Cát đầu tiên.
Trương Chiêu hỏi: Nghe nói khi Gia Cát Lượng ẩn cưở Long Trung đã tự ví mình như Quản Trọng và Nhạc Nghị, không biết có thật vậy chăng?
Gia Cát Lượng đáp: Đúng vậy, đây chẳng qua là một ví von nhỏ bé trong cuộc đời ta mà thôi.
Trương Chiêu hỏi: Nghe nói Lưu Dự Châu (Lưu Bị) ba lần giá cố thảo lư, mới may mắn được tiên sinh tương trợ, cảm thấy có được tiên sinh như cá gặp nước. Tuy nhiên, hiện nay ngay cả Kinh Châu cũng bị Tào Tháo đoạt mất, không biết tiên sinh có kế sách gì không?
Gia Cát Lượng trả lời: Theo ta thấy, chiếm được đất Kinh Tương không phải là chuyện khó khăn gì, chẳng qua vì minh chủ Lưu Dự Châu vốn là người nhân nghĩa, không nhẫn tâm chiếm Kinh Châu của Lưu Biểu làm thuộc địa. Lưu Tông tuổi đời còn nhỏ, tin nghe lời nịnh thần mà âm thầm đầu hàng, vậy nên Tào Tháo mới được thêm uy thế. Cách đây không lâu minh chủ Lưu Dự Châu đóng quân ở Giang Hạ, đó là một kế sách mà không phải người bình thường có thể dễ dàng hiểu được.
Trương Chiêu lại tiếp: Luận theo cách này, tiên sinh tự ví mình như Quản Trọng và Nhạc Nghị, dường như có chút “ngôn hành bất nhất”. Chúng ta đều biết, Quản Trọng trợ giúp Tề Hoàn Công xưng bá chư hầu; còn Nhạc Nghị thì phù trợ Yên quốc nhỏ bé chiếm được hơn 70 thành trì của Tề quốc, hai vị danh tài này đều là những khai quốc công thần tế thế trợ vương quản trị quốc gia.
Thế còn tiên sinh tự ví mình như Quản, Nhạc, thì cũng nên vì bách tính trong thiên hạ mà trừ hại, tiêu diệt loạn tặc. Nhưng trên thực tế, trước khi Lưu Dự Châu có được tiên sinh, còn có thể đánh thắng được vài trận, chiếm cứ được mấy thành trì; hiện nay có được tiên sinh rồi, nhưng lại bị Tào Tháo đánh cho tan tác đến nỗi mũ giáp cũng chẳng còn, phải tháo chạy khắp nơi, bỏ cả Tân Dã chạy đến Phàn Thành, rồi lại bại ở Tương Dương, gấp rút về Hạ Khẩu, thậm chí chẳng còn mảnh đất dung thân.
Thử hỏi, vì sao kể từ khi Lưu Dự Châu có được tiên sinh phò trợ, tưởng rằng có thể bình định được thiên hạ, nhưng xem ra chẳng bằng như trước đây? Lẽ nào Quản Trọng và Nhạc Nghi lại như thế sao?
Gia Cát Lượng bật cười ha ha rồi trả lời rằng: Trước đây Chủ công Lưu Dự Châu bại trận Nhữ Nam nên tạm thời nương nhờ Lưu Biểu. Khi ấy quân đội của chủ công chưa tới 1.000 người, tướng lĩnh chỉ có Quan Vũ, Trương Phi và Triệu Vân. Tân Dã mà Lưu Dự Châu chiếm cứ chỉ là một tiểu trấn, dân ít, lương thực càng ít hơn. Lưu Dự Châu chẳng qua chỉ tạm thời mượn chốn dung thân, thật sự không thể dựa vào một địa phương nhỏ bé như Tân Dã mà xưng bá một phương.
Mặc dù vậy, chúng tôi dựa vào quân đội trang bị không tinh, quân lương thiếu thốn mà dụng kế hỏa công Bác Vọng thành (trận đồi Bác Vọng), rồi lại hỏa thiêu Tân Dã, đánh bại trăm vạn quân tiên phong của Tào Tháo, khiến cho Hạ Hầu Đôn, Tào Nhân sợ thất kinh hồn vía. Thiết nghĩ tài dụng binh của Quản Trọng và Nhạc Nghị cũng có thể như vậy thôi.
Yếu không địch lại mạnh, thắng bại là chuyện thường tình của binh gia. Trước đây, Hoàng đế Hán Cao Tổ nhiều lần bị Hạng Vũ đánh bại, cuối cùng mới đánh bại được Hạng Vũ ở Cai Hạ, kết quả này là nhờ vào sự phù trợ của anh hùng Hàn Tín dụng mưu như thần.
Không giống như một số kẻ khoe khoang khoác lác chỉ biết ngồi nhà mà luận chuyện trên trời dưới đất, tựa nhưếch ngồi đáy giếng, tự cho rằng bản thân có năng lực vô biên không ai sánh bằng. Tuy nhiên, khi thật sự đối diện với chiến trường khốc liệt, phải tùy cơứng biến, bày mưu tính kế thì một chút biện pháp cũng nghĩ mãi không ra. Đây mới là điều khiến thiên hạ cảm thấy nực cười nhất.
Những danh sĩ chủ chốt khác như Ngu Phiên, Bộ Chất, Tiết Tống, Lục Tích, Nghiêm Tuấn, Trình Đức v.v., bất giác im như thóc, sắc mặt sượng sùng hổ thẹn, không nói thêm được một lời nào trước những lý lẽ sắc sảo đầy sức thuyết phục của Gia Cát Khổng Minh.
Lúc này Trương Ôn, Lạc Thống cũng muốn ra mặt tranh biện với Khổng Minh, nhưng võ tướng Hoàng Cái đột nhiên bước lên lớn giọng nói: “Gia Cát Khổng Minh là bậc xuất thế kỳ tài, các vị lại gây khó dễ trăm bề cho huynh ấy, kính khách chi lễ mà thếư. Đại quân Tào Tháo đang áp sát, không lo nghĩ kế sách đẩy lùi địch, mà lại ở đây tranh hơn thua khẩu khí, điều này chẳng vô nghĩa lắm sao?”
Dứt lời thì Hoàng Cái mời Gia Cát Lượng diện kiến Tôn Quyền, cùng phân tích cục diện và bàn bạc rõ mối quan hệ lợi hại của liên minh Tôn-Lưu.
Thuyền cỏ mượn tên
Câu chuyện được lưu truyền rộng rãi nhất về trận Xích Bích là Thuyền cỏ mượn tên của Gia Cát Lượng.
Trong chính sử không có ghi chép Thuyền cỏ mượn tên, nhưng trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của La Quán Trung thì miêu tả hết sức sinh động.
Câu chuyện Thuyền cỏ mượn tên dẫn khởi từ thảo luận của Chu Du về trận giao chiến đường thủy với quân Tào, thì cung tên là vũ khí tấn công và phòng vệ quan trọng nhất. Chiểu theo tình huống lúc bấy giờ mà xét, cần 10 vạn mũi tên mới đủ dùng. Chiến sự khẩn cấp, 10 vạn mũi tên nhất định phải được hoàn tất nội trong thời gian ngắn nhất. Lúc ấy những thợ thủ công có năng lực ở Ngô quốc cũng phải mất ít nhất 10 ngày mới có thể tạo ra nhiều tên như thế.
Chu Du biết Gia Cát Lượng trí huệ siêu phàm, nên đã thỉnh giáo ông làm thế nào mới có thể tạo ra 10 vạn mũi tên càng nhanh càng tốt. Gia Cát Lượng nói với Chu Du rằng: Có thể làm xong trong ba ngày.
Chu Du vừa nghe xong giật mình sửng sốt, cho rằng Gia Cát Lượng nói khoác. Nhưng Gia Cát Lượng vẫn tỏ ra bình tĩnh không chút vội vã, lại còn ký quân lệnh, nếu đến thời hạn mà không giao nộp đủ 10 vạn tên sẽ chấp nhận xử theo quân pháp.
Gia Cát Lượng bèn đến tìm mưu sĩ Lỗ Túc của Đông Ngô chuẩn bị 20 chiếc thuyền, mỗi chiếc có chừng ba mươi quân sĩ, trên thuyền dùng vải đen làm màn che xung quanh, lại bó cỏ với rơm cho nhiều. Đồng thời Gia Cát Lượng cũng yêu cầu Lỗ Túc bảo mật kế sách này. Lỗ Túc chuẩn bị chu đáo thuyền và những thứ mà Gia Cát Lượng cần, tuy nhiên ông lại không hiểu được huyền cơ bên trong là gì.
Gia Cát Lượng nói rằng nội trong ba ngày có thể hoàn tất 10 vạn mũi tên, nhưng ngày thứ nhất thấy ông chẳng có chút động tĩnh, ngày thứ hai cũng tương tự, đến ngày thứ ba phải giao nộp mà ngay cả một mũi tên cũng không thấy đâu hết, ai ai cũng toát mồ hôi lo lắng cho Gia Cát Khổng Minh.
Vào lúc nửa đêm của ngày thứ ba, Gia Cát Lượng âm thầm mời Lỗ Túc lên một chiếc thuyền nhỏ, Lỗ Túc hỏi: “Huynh mời tôi đến có việc gì chăng?”
Gia Cát Lượng nói: “Thỉnh huynh cùng tôi đi lấy tên.”
Lỗ Túc bối rối khó hiểu: “Đi đâu lấy tên?”
Gia Cát Lượng mỉm cười nói: “Khi đến nơi huynh khắc biết.”
Gia Cát Lượng dùng dây thừng dài buộc 20 chiếc thuyền liền lại với nhau, rồi bảo quân sĩ nhắm hướng thủy trại quân Tào mà thẳng tiến.
Đêm ấy sương mù dày đặc, Gia Cát Lượng hạ lệnh cho đội thuyền nhanh chóng tiến về phía trước. Khi đội thuyền tiếp cận thủy trại quân Tào, Khổng Minh mệnh lệnh dàn ngang từng chiếc một, sau đó lệnh cho quân sĩ giống trống và hò reo ầm ĩ.
Lỗ Túc sợ hãi nói với Gia Cát Lượng: “Chúng ta chỉ có 20 chiếc thuyền nhỏ với 300 binh lính, ngộ nhỡ quân Tào phản công, chúng ta cầm chắc cái chết trong tay.”
Gia Cát Lượng vẫn mỉm cười đầy ngụ ý: “Ta bảo đảm Tào Tháo không dám xuất binh trong sương mù dày đặc thế này, chúng ta chỉ quản việc uống rượu trong thuyền thôi.”
Tào Tháo nghe trên sông có tiếng chiêng trống và tiếng hò reo ầm ĩ, bèn triệu tập đại tướng bàn kế sách đối phó. Bởi vì khi ấy sương mù dày đặc trên sông Trường Giang, không biết được tình huống cụ thể của quân địch, nên hai tướng là Sái Mạo và Trương Doãn phái các cung tiễn thủ bắn tên ra loạn xạ, nhằm ngăn chặn phục binh đổ bộ lên thuyền. Quân Tào phái khoảng một vạn cung thủ nhanh chóng đến nơi có tiếng hò hét mà bắn cung tới tấp.
Trong chốc lát, tên bay như mưa đến đội thuyền của Gia Cát Lượng, chẳng bao lâu, các mũi tên cắm đầy lên cỏ trên thân thuyền. Rồi Gia Cát Lượng lệnh cho đội thuyền xoay đầu lại, đưa phần chưa được cắm tên hướng về phía của quân Tào, trong phút chốc cả con thuyền đã phủ đầy tên. Ước chừng đã đủ số 10 vạn, Gia Cát Lượng bèn ra lệnh cho tất cả cấp tốc quay về, lúc này sương mù cũng bắt đầu tan dần, đợi cho quân Tào kịp hiểu ra chuyện gì thì 20 chiếc thuyền của Gia Cát Lượng đã lướt sóng xa khuất rồi.
Đoàn thuyền của Gia Cát Lượng về đến doanh trại quân Ngô, Chu Du đã phái 500 quân sĩ sẵn sàng đợi chuyển tên, sau khi đếm xong thì quả thật là đủ 10 vạn.
Chu Du hoàn toàn kính phục Gia Cát Khổng Minh, Lỗ Túc lại càng bội phần khen ngợi: “Tiên sinh quả thật như Thần! Làm sao biết được hôm nay có sương mù dày đặc trên sông thế?”
Gia Cát Lượng cười nói: “Thân làm tướng soái mà không thông thạo thiên văn địa lý, không biết Kỳ Môn Độn Giáp, không hiểu âm dương, không nhìn trận đồ, không tỏ binh thế, thì đó là kẻ tầm thường mất rồi.”
Vậy mới nói Gia Cát Lượng tinh thông thiên tượng, dự đoán được hôm ấy sẽ có sương mù dày đặc trên mặt sông Trường Giang, nên đã khéo léo mượn màn sương làm thành bức bình phong, cố ý kinh động quân Tào, không cần tốn hơi tốn sức mà đã có được 10 vạn mũi tên rồi.
Mượn gió đông
Giai thoại Mượn gió đông vẫn là biểu hiện phi phàm nhất về trí huệ và tài hoa của Gia Cát Lượng.
Trong sách sử “Giang Biểu truyện” có ghi chép, khi quân đội Đông Ngô hỏa công quân Tào, xác thực là “Chỉ thiếu gió Đông Nam”.
Từ thời Tống Nguyên, dân gian cũng đã truyền rộng tình tiết Gia Cát Lượng lập đàn mượn gió Đông, nhà văn Vương Trọng cũng viết vở kịch “Thất tinh đàn Chư Cát tế phong”. Qua đó có thể thấy rằng điển tích Gia Cát Lượng Mượn gió đông dù không được ghi chép trong chính sử nhưng lại được truyền tụng rộng rãi trong nhân gian.
Chuyện rằng: Chu Du định ra kế sách đánh hỏa công quân Tào, nhưng mùa đông chỉ có gió Tây Bắc mà hiếm khi có gió Đông Nam thổi về phía quân Tào nên lo lắng thành bệnh.
Lỗ Túc thỉnh Gia Cát Khổng Minh chẩn bệnh, Gia Cát nói bệnh của Chu Du là tâm bệnh, nên bí mật viết 16 chữ cho Chu Du:
Muốn phá Tào công
Phải dùng hỏa công
Vạn sự đủ cả
Chỉ thiếu gió Đông.
Những lời này nói trúng ngay tâm nguyện của Chu Du nên trong lòng vô cùng thán phục Gia Cát Lượng, khen ông vi diệu như Thần, sau đó Chu Du thỉnh Gia Cát Lượng nghĩ biện pháp.
Gia Cát Lượng nói: “Dù Lượng bất tài, nhưng từng gặp được kỳ nhân truyền thụ thiên thư Kỳ Môn Độn Giáp, có thể hô mưa gọi gió. Đô đốc muốn gió Đông Nam, có thể lập một đàn ở núi Nam Bình, gọi là Thất tinh đàn: Cao chín xích, làm ba tầng, cần 120 quân cầm cờ xí đứng xung quanh. Ta sẽ đích thân đứng trên đàn làm phép, mượn gió Đông Nam trong ba ngày ba đêm, trợ giúp đô đốc dùng binh đánh trận, Ngài thấy thế nào?”
Chu Du nói: “Đừng nói chi ba ngày ba đêm, chỉ cần một đêm là đại sự tất thành. Hình thế giao chiến vô cùng cấp bách, tựa như lửa xém lông mày rồi, thỉnh Gia Cát nhất tề đừng chậm trễ.”
Gia Cát Khổng Minh nói: “Sẽ cầu gió từ ngày Giáp 20 tháng 11 đến ngày Bính Dần 22 thì dừng.”
Chu Du nghe xong mừng vui phấn chấn, liền ngồi bật dậy khỏi giường bệnh, lập tức phái 500 binh sĩ tinh nhuệ đến núi Nam Bình lập đàn, cũng điều 120 người cầm cờ giữ đàn, đợi nghe mệnh lệnh.
Đến giờ Thìn ngày Giáp 20 tháng 11, Gia Cát Lượng tắm gội trai giới, thân mặc Đạo bào, chân trần đầu trần bước đến trước đàn dặn dò tướng sĩ giữ đàn rằng: “Không rời khỏi vị trí khi chưa được lệnh, không thì thầm nói chuyện, không tùy tiện loạn giảng, không sợ lớn hãi nhỏ. Kẻ nào bất tuân, sẽ bị xử trảm!”
Tướng sĩ nhất loạt vâng lệnh. Khổng Minh chậm rãi bước lên đàn, quan sát phương vị, thắp nén hương cắm vào bát, rót đầy một bát nước, rồi hai tay dâng lên trời ấn chú. Gia Cát Khổng Minh lên đàn và xuống đàn ba lần trong một ngày, nhưng vẫn chưa thấy chút gió gió Đông Nam nào khởi lên.
Chu Du và thuộc hạ đợi gió Đông trong lều trại. Hoàng Cái và những người khác đã chuẩn bị sẵn sàng 20 hỏa thuyền, Chu Du còn phái Cam Ninh và một số thuộc hạ khác làm nội ứng trong doanh trại Tào, ngày ngày chiêu dụ tướng chỉ huy thủy quân của Tào rượu chè say sưa, nhằm không cho bất kỳ một ai lên bờ thám thính tình hình. Bốn phía đều là binh mã Đông Ngô, bao vây kín cẩn tựa như nước chảy không thông, các tướng sĩ ai ai cũng khí thế hừng hừng, tất cả chỉ còn đợi cờ hiệu trướng lên là lập tức hành động thôi.
Đêm hôm ấy, khí trời trong sáng lặng lẽ như tờ, ngay cả một ngọn gió cũng không cảm thấy. Chu Du nói với Lỗ Túc rằng: “Khổng Minh nói lời hoang đường rồi. Tiết đông thế này làm sao có được gió Đông Nam kia chứ?”
Lỗ Túc thưa: “Ta nghĩ Khổng Minh không phải hạng người nói xằng ấy.”
Gần canh ba, bỗng nghe tiếng gió vút lên, cờ bay phấp phới. Chu Du bước ra khỏi lều quan sát, nhìn thấy góc cờ xác thực là bay về hướng Tây Bắc, nhưng chưa đầy một giây thì gió Đông Nam lập tức khởi lên.
Chu Du kinh ngạc tán thán: “Gia Cát ơi Gia Cát, người quả thật có phép thuật hoán chuyển cả thiên địa tạo hóa, quỷ thần cũng khó lường, thần cơ diệu toán, thiên hạ không ai sánh bằng.”
Cũng có một giai thoại rằng: Khi gió đông tới, Chu Du vừa vui mừng vì sắp đánh thắng quân Tào, vừa kinh sợ tài năng “sai khiến cả quỷ thần” của Gia Cát Khổng Minh. Nên Chu Du lập tức ra lệnh cho thuộc hạ tới Thất tinh đàn để giết Khổng Minh, nhưng khi tới nơi thì ông đã lên thuyền đi mất. Gia Cát Khổng Minh vốn đã đoán trước khi gió Đông tới, Chu Du sẽ ra lệnh giết mình nên ông đã bí mật gửi thư, dặn dò Lưu Bị đưa người đến đón ông vào đúng đêm hôm đó.
Nguồn: ntdvn (Cao Nguyên)