Tại sao đại đệ tử đệ nhất Thiên nhãn của Đức Phật lại là một người mù
Trong 10 đại để tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, có một người là A Na Luật, là người đệ nhất Thiên nhãn. A Na Luật vốn là một vương tử sống trong bạc vàng châu báu, sau xuất gia tu hành, hai tình cảnh khác biệt một trời một vực thế này vốn đã khó làm được việc xuất gia, vậy mà ông còn làm mù mắt mình. Vậy làm thế nào mà ông tu thành đệ nhất Thiên nhãn?
A Na Luật vốn là em họ của Đức Phật, sinh ra trong vương tộc, từ nhỏ đã rất ngây thơ hồn nhiên, được mọi người sủng ái, sống trong lụa là vàng ngọc, chưa bao giờ thiếu bất kỳ thứ gì.
Khi 7 tuổi, A Na Luật rất thích cá cược, nếu thua thì cậu sẽ tặng cho người ta bánh. Một hôm, cậu thua 3 lần, và 3 lần về xin bánh đem cho người thắng cược. Đến lần thứ 4, cậu đòi mẹ bánh, mẹ cậu thấy hộp bánh đã hết, bèn nói: “Đã hết rồi”.
Nhưng A Na Luật, cậu bé ngây thơ sống trong cảnh giàu sang đủ đầy này, lại không hiểu “đã hết rồi” nghĩa là gì. Cậu cho rằng là một loại bánh mới, nên cứ đòi mẹ cho cái bánh kiểu mới gọi là “đã hết rồi” này.
Người mẹ bèn lấy cái hộp bánh không đưa cho cậu xem, với mong muốn để cậu hiểu khái niệm “hết rồi” là thế nào. Nhưng sự việc kỳ lạ xảy ra, có lẽ là do phúc khí của A Na Luật quá lớn, khi người mẹ mở chiếc hộp bánh không đó ra, thì thấy bên trong đầy bánh đẹp mắt và ngon lành.
A Na Luật trông thấy thế thì vui mừng lắm, hét lên: “Loại bánh ‘đã hết rồi’ này thì ra là như thế này”.
Nhìn thấy chiếc hộp bánh từ không có gì bỗng lại có đầy bánh như thế này, mẹ A Na Luật rất kinh ngạc, bà cảm thấy đứa trẻ này không phải bình thường.
Thực ra, A Na Luật có phúc khí lớn như thế này là có nguyên nhân.
Công đức đời trước
Theo ghi chép của “Kinh Tăng nhất A hàm” và “Kinh Lăng nghiêm”, vào một đời rất xa xưa của A Na Luật, cậu là một nông phu nghèo khó. Năm đó bị nạn đói, cây trồng lại không sinh trưởng được, có một người vị Bích Chi Phật đang tu hành. Ngài đem bình bát đi nhưng thường xuyên đem bình bát không trở về.
Một ngày nọ, người nông phu ra khỏi nhà để đi cày ruộng, trong người anh chỉ có một chút thức ăn thô. Nhưng khi anh trông thấy vị Bích Chi Phật này sáng sớm bưng bình bát không đi, hoàng hôn bưng bình bát không trở về, thì cảm thấy rất không nỡ lòng. Sáng sớm hôm sau, anh đem hết tất cả gạo trong nhà ra nấu một nồi cơm, hy vọng ra khỏi nhà sẽ gặp vị Bích Chi Phật.
Kết quả đúng như mong đợi, anh vô cùng thành kính đem thức ăn cúng dường cho Bích Chi Phật. Bích Chi Phật vô cùng cảm động, liền chúc phúc anh nông phu rằng: “Trong thời kỳ nạn đói như thế này, thí chủ phát thiện tâm như thế này thật là hiếm có. Ta chúc phúc thí chủ, trong 91 kiếp, thí chủ đời đời không gặp cảnh nghèo túng”.
Quả nhiên từ đó trở đi, anh nông phu này đời đời kiếp kiếp không sinh ra trong gia đình vương gia thì sinh ra trong gia đình tể tướng. Cái tên A Na Luật có nghĩa là không nghèo, như ý.
Người nông phu cúng dường người tu hành một bữa cơm, xem ra có vẻ rất đơn giản, nhưng đó lại là tất cả số lương thực trong nhà mà anh có. Có thể thấy cái tâm hướng Phật của anh thuần khiết chân thành biết nhường nào. Vì vậy, ngoài phúc báo 91 kiếp sống phú quý đó ra, anh lại có nhân duyên được sống cùng trên đời với Phật Đà, được Phật Đà dạy bảo tu Phật.
Ai có thể khuyên được người kế thừa ngai vàng xuất gia?
Khi A Na Luật trưởng thành, thành một thanh niên dáng vẻ đường đường, thì Đức Phật trở về quê hương – thành Ca Tỳ La Vệ, thuyết Pháp giáo hóa.
A Na Luật rất muốn theo Phật Đà xuất gia tu hành. Trước tiên, anh tìm đến người anh trai Ma Ha Nam, nói rằng: “Nếu hai anh em mà chỉ có 1 người được xuất gia, thì nhất định phải để cho em”.
Anh trai nói không được, đành phải đồng ý. Nhưng Phật Đà quy định, xuất gia phải được cha mẹ đồng ý. Nhưng bất kể là A Na Luật khổ sở cầu xin thế nào đi nữa, cha mẹ anh vẫn không đồng ý.
Cuối cùng, A Na Luật xuất một chiêu lớn, sẽ tuyệt thực chết. Cha mẹ anh đành phải buông lời: “Nếu con thực sự muốn xuất gia, thì phải đi thương lượng với vương tử Bạt Đề. Nếu vương tử Bạt Đề muốn xuất gia thì chúng ta sẽ đồng ý con và anh ấy cùng nhau đi xuất gia. Nếu anh ấy không muốn, thế thì con chớ vọng tưởng nữa”.
Nhưng năm đó, vua Tịnh Phạn có ý lập Bạt Đề làm Thái tử, muốn Bạt Đề kế thừa ngôi vị cai trị nước Ca Tỳ La Vệ. Lúc này, sao anh ta có thể nghĩ đến việc xuất gia được.
Nhưng A Na Luật không hề ngại khó, anh vui mừng đi tìm vương tử Bạt Đề. Sau khi nói đến việc xuất gia, anh nóng lòng ngóng trông vương tử Bạt Đề, chờ đợi câu trả lời.
Một bên là kế thừa ngôi vua, một bên là từ bỏ tất cả mọi thứ phú quý vinh hoa, quyền lực của quân vương, xuất gia làm một tỳ kheo, thử nghĩ xem, A Na Luật đã đưa ra một vấn đề khó như thế nào cho vương tử.
Quan hệ giữa vương tử Bạt Đề và A na Luật xưa nay luôn thân thiết, vương tử nhìn ánh mắt khẩn thiết từ đôi mắt trong sáng chốc chốc lại lóe sáng của A Na Luật, thì không nỡ quả quyết từ chối. Vương tử nghĩ mãi, nghĩ mãi, cuối cùng miễn cưỡng nói: “Xuất gia làm tỳ kheo, thì không còn lưu luyến những lạc thú thế gian nữa. Chúng ta đều còn quá trẻ, làm sao có thể làm được? Bạn hãy đợi thêm vài năm nhé, đợi sau khi chúng ta hưởng thụ lạc thú nhân gian 7 năm, rồi hãy xuất gia”.
Đây rõ ràng là câu từ chối khéo, nhưng A Na Luật nói: “Đời người vô thường, ai mà biết được chúng ta có thể sống đến khi nào? Cần phải nắm bắt nhân duyên hiện tại, chớ chìm đắm trong dục vọng và hưởng lạc ở thế gian”.
A Na Luật nói đi nói lại rằng: “Chỉ có xuất gia thì mới đắc được niềm vui”.
Vương tử Bạt Đề giảm yêu cầu từ 7 năm xuống còn 1 năm, rồi từ 1 năm giảm xuống 1 tháng, rồi lại từ 1 tháng giảm xuống 7 ngày. Đến khi vương tử Bạt Đề đồng ý với anh rằng, sau 7 ngày sẽ xuất gia, A Na Luật mới vui sướng cáo biệt ra về.
7 ngày sau, hai người cùng với A Nan, Đề Bà và mấy vương tử nữa cùng nhau đi gặp Phật Đà xin được xuất gia. Phật Đà bảo họ ở trong một ngôi nhà trống, ngồi tĩnh tọa 7 ngày. Sau khi quên đi thân phận vương tử tôn quý thì mới cho phép họ gia nhập tăng đoàn.
Thiếu nữ lúc nửa đêm
Sau khi xuất gia, A Na Luật nghe Kinh nghe Pháp, yên tâm sống cuộc sống đạm bạc, đối với thuyết Pháp của Phật Đà, anh luôn hoan hỉ thực hiện.
Một lần anh muốn đi vân du, đi các nơi hoằng Pháp. Phật Đà rất vui mừng khích lệ anh đi. A Na Luật vốn là người rất đẹp trai tuấn tú, khi chưa xuất gia, có rất nhiều thiếu nữ của các vương tộc thích anh. Trên đường vân du, anh đi đến một ngọn núi hoang vu, trời dần tối sầm, mây đen dày đặc, dường như sắp mưa.
Nhưng nơi đó nhà cửa thưa thớt, khó khăn lắm A Na Luật mới tìm được một nhà dân. Mở cửa là một cô gái trẻ xinh đẹp. Nhìn thấy A Na Luật, mắt cô gái sáng bừng lên, lập tức mời A Na Luật vào trong nhà, bưng trà rót nước, hàn huyên chuyện trò.
A Na Luật nhận thấy nhà này dường như chỉ có một cô thiếu nữ này, nhưng anh cũng không nghĩ gì khác, bèn ngồi xuống đả tọa, chuyên tâm niệm Phật, mong trời mau sáng để sớm lên đường.
Nửa đêm vắng lặng, cửa phòng bỗng kẹt một tiếng và mở ra, thiếu nữ đó đến bên A Na Luật, dịu dàng tình cảm nói: “Em biết chàng là một vị sa môn, nhưng sau khi em nhìn thấy chàng, em không thế nào áp chế nổi tình cảm đối với chàng. Xin hãy tin em, em không phải là cô gái trăng hoa. Gần đây có rất nhiều người Bà La Môn có danh tiếng, có tiền tài, em đều từ chối. Nhưng em thấy dung mạo đoan trang tuấn tú của chàng, em đã yêu chàng rồi, em nguyện đem tấm thân này cho chàng. Xin chàng từ nay ở lại nhà em, che mẹ em nhất định sẽ rất vui mừng”.
Thiếu nữ thấy A Na Luật không để ý đến, vẫn cho rằng A Na Luật xấu hổ, bèn càng tiến đến gần hơn, xoa xoa bàn tay của A Na Luật.
Lúc này, A Na Luật mở mắt ra và nói: “Cô nương, cô đang làm gì vậy?”
A Na Luật nghiêm mặt nghiêm giọng cự tuyệt cô gái. Thiếu nữ cảm thấy vô cùng xấu hổ, nảy sinh lòng hối lỗi, xin A Na Luật giúp cô quy y Phật Đà, cô muốn trở thành cư sĩ tại gia.
Trước mỹ sắc, A Na Luật tâm địa quang minh, đạo tâm kiên định. Từ đó trở đi, A Na Luật không bao giờ tá túc trong nhà người dân nữa. Tuy nhiên, trải nghiệm mỹ nữ ngồi lòng tâm không loại của A Na Luật được các tỳ kheo kính phục. Tuy nhiên A Na Luật có tật là ngủ gật. Mỗi khi Phật Đà giảng kinh, A Na Luật lại ngủ gật. Làm thế nào vượt qua được tật này?
Mắt mù rồi
Đối với những người dòng tộc Thích Ca xuất gia, Phật Đà yêu cầu đặc biệt nghiêm khắc. Một hôm, Phật Đà nói đi nói lại về tinh tấn, các đệ tử có mặt đều tập trung tinh thần lắng nghe, nhưng A Na Luật vẫn cứ ngủ gật. Phật Đà nhìn thấy thì nhắc nhở rằng:
Đốt đốt nhữ háo thụy
Loa sư bạng cáp loại
Nhất thụy nhất thiên niên
Bất văn Phật danh tự
Tạm dịch:
Chao ôi ngươi thích ngủ
Làm loài ốc trai sò
Mỗi lần ngủ ngàn năm
Không nghe được danh Phật
Ý nghĩa là: Pháp Pháp khó gặp, ngày nay may được thân người, được nghe Phật Pháp, tại sao hễ nghe kinh là lại ngủ gật? Nếu thực sự thích ngủ như vậy, thì sẽ chuyển sinh thành loài ốc, trai, sò dưới đáy biển, mỗi lần ngủ là 1 ngàn năm, như thế sẽ không thể nào có cơ hội được nghe Phật Pháp nữa.
A Na Luật nghe xong cảm thấy vô cùng xấu hổ, bèn quỳ xuống thề rằng: “Từ ngày hôm nay, đến hết đời, đệ tử sẽ không ngủ nữa”.
Đối với đệ tử nhận lỗi sám hối, Phật Đà luôn hoan hỉ. Thấy A Na Luật thề, Đức Phật khích lệ và an ủi A Na Luật, bảo A Na Luật hãy chăm chỉ dụng công, tu hành cố nhiên không được quá trễ nải, nhưng cũng không được quá sốt sắng.
Từ đó, từ sáng sớm đến hoàng hôn, từ đêm đến ngày, A Na Luật cần cù dụng công, tuyệt đối không ngủ. Nhưng một vài hôm như thế cũng không sao, lâu ngày, hai mắt A Na Luật sinh bệnh. Phật Đà tìm đến, từ bi hòa ái nói với A Na Luật rằng: “Này A Na Luật, lời ta đã nói với con đó, tu hành không gấp cố nhiên là không được, nhưng gấp quá cũng không được”.
A Na Luật cung kính nghe và kiên quyết trả lời: “Con đã thề trước Phật Đà rồi, con không thể trái lời thề”.
Phật Đà nói: “Chà, con chớ nhớ đến vấn đề đó, đôi mắt quan trọng”.
Tuy Phật Đà đã dạy bảo như vậy, nhưng A Na Luật vẫn không nhắm mắt ngủ. Phật Đà đành phải lại khuyên bảo: “A Na Luật, tất cả chúng sinh đều cần thức ăn mới có thể sinh tồn được. Tai lấy âm thanh làm thức ăn, mũi lấy mùi hương làm thức ăn, lưỡi lấy vị làm thức ăn, thân lấy tiếp xúc làm thức ăn, mắt chính là lấy ngủ làm thức ăn. Thế nên, con đi ngủ đi, chớ nghĩ đến các vấn đề khác, cho dù niết bàn cũng vẫn cần ăn uống”.
A Na Luật ngạc nhiên: “Ô, niết bàn ăn gì?”
Đức Phật nói: “Niết bàn lấy không buông thả làm thức ăn. Không buông thả có thể đạt đến cảnh giới vô vi. Cảnh giới vô vi cũng cần lấy thiền duyệt Pháp hỉ làm thức ăn”.
A Na Luật nói: “Thưa Đức Phật, mắt lấy ngủ làm thức ăn, nhưng con không ngủ cũng không sao, xin Đức Phật yên lòng”.
Trước sự từ bi của Phật Đà, A Na Luật rất cảm kích, nhưng anh không muốn trái với lời thề, vẫn không ngủ.
Phật Đà thấy đôi mắt A Na Luật sưng đỏ, bèn đi gọi danh y Kỳ Bà đến điều trị. Kỳ Bà xem xét xong thì nói với A Na Luật rằng: “Chỉ cần anh ngủ thì mắt sẽ khỏi ngay”.
Nhưng A Na Luật vẫn không muốn ngủ. Không lâu sau, hai mắt A Na Luật bị mù. Phật Đà nhớ đến câu mà Ngài đã giảng cho A Na Luật, để anh tin tấn tu hành, khiến cho đôi mắt anh bị mù, bèn dự tính làm thế nào để đôi mắt A Na Luật lại nhìn thấy ánh sáng.
Đệ nhất Thiên nhãn
A Na Luật đã bị mù, nhưng không hề cảm thấy buồn chán. Trong tăng đoàn, mọi người rất hòa ái, những người khỏe mạnh ra ngoài bưng bình bát đem cơm về, luôn chia phần cho các tỳ kheo có bệnh. Lúc này, A Na Luật không nhìn thấy bất cứ thứ gì, thì cũng không còn bị ngoại cảnh cảnh nhiễu nữa, tinh tấn thành tâm tu hành.
Nhưng sau này, bộ tăng phục của A Na Luật bị rách đến mức không thể nào mặc được nữa, anh bèn thỉnh cầu A Nan cắt khâu giúp mình một bộ y phục mới.
Đức Phật biết chuyện bèn bỏ ra thời gian một ngày đích thân Ngài cắt khâu một bộ y phục cho A Na Luật. Đức Phật ngồi cùng với A Na Luật, người đã mất đi đôi mắt, và từ bi an ủi và dạy A Na Luật tu tập “Pháp Tam muội vui thấy kim cang chiếu sáng”.
Không lâu sau, A Na Luật chứng được Thiên nhãn, không chỉ có Thiên nhãn, mà còn chứng được Bán đầu Thiên nhãn, tức là cả nửa cái đầu của A Na Luật là Thiên nhãn. Tất cả mọi nơi thập phương của Tam thiên Đại thiên Thế giới A Na Luật đều nhìn được rất rõ ràng, giống như nhìn quả Am ma la (một loại trái cây của Ấn Độ) trên bàn tay. Bất kể là gần hay xa, trong hay ngoài, những thứ mà người khác không thể nhìn thấy, những nơi mắt thường không thể nhìn thấy, thì A Na Luật đều có thể nhìn một cái là thấy rõ hết.
Sự cảm kích và hoan hỉ của A Na Luật quá lớn. Trong lòng Đức Phật cũng rất hoan hỉ, lúc này Đức Phật mới yên lòng. Trong tăng đoàn, rất nhiều người hâm mộ và kính trọng A Na Luật. Đây là thành quả uy lực từ bi của Phật Đà, cũng là thành tựu mà A Na Luật đã vô cùng kiên quyết tu hành được. Dùng Thiên nhãn, A Na Luật có thể nhìn thấy Thế giới Tây phương Cực lạc, khiến những chúng sinh mới học tăng thêm tín tâm thành kính đối với Tịnh thổ của Phật A Di Đà.
Từ đó, trong các đệ tử của Phật Đà, A Na Luật là đệ nhất Thiên nhãn nổi tiếng.
Được Tôn giả Xá Lợi Phất dạy bảo
Sau khi chứng được Thánh quả, Tôn giả A Na Luật đã có Thiên nhãn, và trở thành đệ tử hàng đầu trong tăng đoàn. Nhưng có một lần, khi luận về Đạo, Tôn giả Xá Lợi Phất, đệ nhất trí huệ đã không khách khí dạy bảo Tôn giả A Na Luật một bài học. Đó là sự việc gì?
Thì ra Tôn giả A Na Luật hỏi Tôn giả Xá Lợi Phất rằng: “Thưa Tôn giả Xá Lợi Phất, tôi dùng Thiên nhãn thanh tịnh, có thể nhìn thấy Tam thiên Đại thiên Thế giới, tôi có chính niệm tinh tấn bất động. Hiện nay thân thể tôi dường như ngao du giữa trời đất thanh tĩnh, tâm tôi đã rời khỏi chấp trước, không còn tản loạn nữa. Xin hỏi Tôn giả, đây là rời xa phiền não được giải thoát chưa?”
Tôn giả Xá Lợi Phất là nhân vật hàng đầu đệ nhất trong tăng đoàn, nghe những lời của Tôn giả A Na Luật, Tôn giả Xá Lợi Phất nói: “Tôn giả A Na Luật, ngài nói ngài có Thiên nhãn nhìn thấy Tam thiên Đại thiên Thế giới, đó là tâm tự đại. Ngài nói ngài có chính niệm bất động, đó là tâm hấp tấp. Ngài nói ngài rời khỏi chấp trước, không còn tán loạn nữa, đó là tâm cuồng vọng. Theo giáo Pháp của Phật Đà mà tôi liễu giải được, muốn rời xa tâm tự đai, tâm hấp tấp, tâm cuồng vọng, thì mới rời xa phiền não, mới được giải thoát”.
Trước sự phê bình của Tôn giả Xá Lợi Phất, Tôn giả A Na Luật khiêm tốn tiếp thu, từ đó, ông không còn nói với người khác về cảnh giới mà ông chứng đắc nữa. Ông hiểu rõ những lời Tôn giả Xá Lợi Phất nói, là lời mà người tu đắc Đạo chân chính mới có thể nói ra được.
Để khắc phục tật thích ngủ, tinh tấn tu luyện, A Na Luật quyết định không ngủ, đến nỗi mù mắt cũng nhất định không ngủ. Việc này người thường tuyệt đối không thể làm được, cũng tuyệt đối không thể bắt chước được. Nhưng trong đó triển hiện ra sự tin tưởng đối với Phật Pháp, tinh thần biết sai liền sửa, ý chí tinh tấn, thực sự có thể nói là kinh thiên địa khấp quỷ thần.
Người tu luyện biết tầng thứ của Thiên nhãn đối ứng với cảnh giới tinh thần của họ. Tôn giả A Na Luật có được Thiên nhãn đệ nhất, có thể nhìn thấy Tam thiên Đại thiên Thế giới, vẫn vô cùng khiêm tốn, có thể thấy cảnh giới tu luyện của ông rất cao. Điều này phù hợp với tầng thứ Thiên nhãn của ông.
Trên thế gian, có rất nhiều người không thừa nhận Thiên nhãn, đương nhiên bởi vì họ không nhìn thấy. Nhưng có thể có một nguyên nhân quan trọng, đó là họ có cặp mắt thịt là đã rất tự đại rồi, như thế sẽ phong bế bản thân. Đương nhiên còn nhiều nhân tố khác nữa, tuy nhiên, đối với sự huyền bí của vũ trụ, nếu không có một cái tâm rộng mở và khiêm tốn, thì tuyệt đối không thể nào giải đáp được.
Trung Hòa
Theo Vườn văn sử